Gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, giá ô tô nội có giảm?

Cùng với chính sách giảm 50% phí trước bạ, ô tô lắp ráp được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, có thêm cơ hội giảm giá xe cho người tiêu dùng.    
gia han nop thue tieu thu dac biet gia o to noi co giam
 

Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước được gia hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế từ tháng 3 đến tháng 10/2020.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 109/NĐ-CP quy định chi tiết trình tự, thủ tục về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Nghị định này có hiệu lực thi hành ngay từ ngày 15/9/2020.

Theo nghị định này, Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế từ tháng 3 đến tháng 10/2020 với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

Cụ thể, doanh nghiệp sản xuất hoặc lắp ráp ô tô trong nước sẽ được gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6, tháng 7, tháng 8, tháng 9 và tháng 10 năm 2020.

Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 3/2020 chậm nhất là ngày 20/9; tháng 4 chậm nhất là ngày 20/10; tháng 5 chậm nhất là ngày 20/11. Từ tháng 6 đến tháng 10, thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp của kỳ tính thuế chậm nhất là ngày 20/12.

Trong thời gian được gia hạn nộp thuế, căn cứ giấy đề nghị gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, cơ quan thuế không tính tiền chậm nộp đối với số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn (bao gồm cả trường hợp giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt gửi cơ quan thuế sau khi đã nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt).

Trường hợp cơ quan thuế đã tính tiền chậm nộp đối với các hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc trường hợp được gia hạn theo quy định tại nghị định này thì cơ quan thuế thực hiện điều chỉnh lại và không tính tiền chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo Nghị quyết 115 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ vừa được Chính phủ ban hành, các bộ ngành liên quan cần sớm sửa đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (cụ thể là giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt) đối với sản phẩm ô tô, trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 10.

Mục tiêu là nhằm nâng cao sức cạnh tranh và khuyến khích cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước, từ đó thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực ô tô.

Cùng với chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đến hết năm 2020, chính sách này sẽ tạo thêm động lực giúp doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vượt qua khó khăn và có thêm cơ hội giảm giá xe cho người tiêu dùng.