Đại dịch Covid-19 hoành hành đã gây nhiều xáo trộn trong hoạt động sản xuất và đời sống xã hội. Để hạn chế virus lây lan làm việc từ xa ứng dụng công nghệ được coi là biện pháp hữu hiệu. Trong đại dịch Covid-19, dù thực hiện nghiêm túc chính sách làm việc tại nhà được ban hành bởi chính phủ Úc, Studio thiết kế của Ford vẫn không bị ảnh hưởng nhiều vì đội ngũ Ford đã nhanh chóng tận dụng công nghệ thực tế ảo để biến chính phòng khách của họ trở thành không gian mô phỏng xưởng thiết kế.
Ban đầu, công nghệ thực tế ảo được sử dụng nhằm hỗ trợ các đội ngũ Ford trên toàn cầu, dù ở bất cứ quốc gia nào, đều có thể phối hợp và làm việc hiệu quả. Ví dụ, một kỹ sư hoặc nhà thiết kế làm việc tại trụ sở chính của Ford ở Dearborn, Michigan (Mỹ) có thể dễ dàng tham gia những cuộc họp với đồng nghiệp tại văn phòng Melbourne (Úc) nhờ một phần mềm hội nghị trực tuyến, tương tự như những ứng dụng chúng ta thường sử dụng trong thời gian cách ly xã hội. Công nghệ này thường xuyên được Ford sử dụng trong các khâu đánh giá chất lượng và thiết kế của sản phẩm trước khi có thể chuyển sang các bước tiếp theo trong quy trình sản xuất.
Nhằm đảm bảo hiệu quả công việc khi làm việc tại nhà, mỗi nhân viên thiết kế chủ chốt của Ford Australia đều được trang bị máy tính hiệu năng cao, kính thực tế ảo HTC® và tay cầm điều khiển để tiếp tục phát triển các phương tiện trong tương lai. Tương tự như ở khâu đánh giá sản phẩm, đội ngũ thiết kế của Ford Úc cũng truy cập vào một cuộc họp trực tuyến để duy trì công việc ngay tại ngôi nhà của họ. Trong cuộc họp, mỗi thành viên đều có hình đại diện riêng, có thể tương tác với các đồng nghiệp của mình, tạo nên không gian giống như trên các trò chơi điện tử quen thuộc.
Hệ thống thực tế ảo sử dụng nguồn dữ liệu thường được dùng để tạo ra các mẫu sản phẩm (ở dạng đất sét hoặc bọt cứng). Kết hợp với kính thực tế ảo, các mẫu sản phẩm có thể được số hóa và được đặt trong khung cảnh ở bất kỳ đâu trên thế giới. Ví dụ, hệ thống này có khả năng mô phỏng hình ảnh phương tiện đang được đặt tại một quảng trường ngoài trời, cùng với đó, ánh sáng và các yếu tố ngoại cảnh khác có thể ảnh hưởng đến hình ảnh ngoại thất của xe cũng được tái tạo sát với thực tế. Ngoài ra, bộ tai nghe kèm tay cầm điều khiển còn giúp đội thiết kế dễ dàng mô phỏng trải nghiệm khi ngồi trong khoang lái và quá trình điều khiển phương tiện.
Nhờ công nghệ thực tế ảo, đội ngũ thiết kế cùng các nhóm liên quan của Ford có thể nghiên cứu cả thân xe và khoang lái của phương tiện mà không bị giới hạn về mặt không gian hay thời gian. Hình đại diện của mỗi người còn được trang bị con trỏ laze, hỗ trợ họ khi cần tương tác hoặc chỉ ra những chi tiết cụ thể của xe xuyên suốt cuộc họp. Có thể nói, công nghệ thực tế ảo đã mang lại trải nghiệm làm việc tại nhà tương tự như tại xưởng thiết kế, giúp tập đoàn Ford duy trì hoạt động để đảm bảo sự hài lòng của mỗi khách hàng trong các sản phẩm tương lai.