Điểm mặt những mẫu xe là "trùm doanh số" theo từng phân khúc tại Việt Nam

Xe Nhật thống trị phân khúc B và C, phân khúc A không ai vượt mặt được thương hiệu xe đến từ Hàn Quốc là Hyundai Grand i10.

Điểm mặt 3 mẫu xe được gọi là trùm doanh số đại diện cho 3 phân khúc A, B và C tại Việt Nam.

Ngôi vương phân khúc A: Hyundai Grand i10

Điểm mặt những mẫu xe là "trùm doanh số" theo từng phân khúc tại Việt Nam - 1

Gần đây, thương hiệu xe Hyundai đến từ Hàn Quốc đang dần tạo nên một đế chế, với các mẫu xe được TC Motors phân phối rải đều các phân khúc như: Accent, Kona, Elantra, Tucson cho tới SantaFe thế hệ mới đều nằm trong top xe có doanh số bán tốt, nhưng chỉ có i10 là “on top”.

Sự phát triển của các ứng dụng gọi xe công nghệ cùng lớp khách hàng trẻ cũng tác động lớn đến doanh số xe phân khúc A. Ưu điểm xe phân khúc A là giá thành rẻ, xe nhỏ, thuận tiện di chuyển trong nội thành. Nhược điểm là không tối ưu di chuyển trên cao tốc vì không đủ cứng vững, trục cơ sở ngắn và công suất hạn chế.

Doanh số trong vài năm trở lại đây của Hyundai i10 luôn gấp đôi đối thủ bám phía sau là Kia Morning. Cụ thể trong năm 2018, doanh số của Hyundai i10 là 22.068 xe, Kia Morning là 11.458 xe.

Kia Morning là mẫu xe rẻ nhất thị trường với bản MT tiêu chuẩn 299 triệu, xe có 4 cấu hình và động cơ 1.25L. Hyundai i10 cung cấp nhiều lựa chọn và kích thước nhỉnh hơn. Nếu để thuần kinh doanh và vận tải, i10 có biến thể sedan, không gian chứa đồ thoải mái hơn nhiều một chiếc hatchback thông thường, dù thiết kế gượng ép khá cục mịch. Bên cạnh động cơ 1.2, i10 có thêm máy 1.0. Tổng cộng xe có 6 tùy chọn với 2 loại động cơ.

Vào đầu năm 2019, Toyota tung ra Wigo nhằm tham chiến với i10 và Morning. Toyota Wigo có giá từ 345 triệu cho bản số sàn, bằng khung giá của i10 – điều mà hãng xe Nhật hiếm khi thực hiện. Wigo ngay lập tức tạo nên cú hích lớn trong phân khúc A, thời gian đầu xuất hiện có những tháng doanh số lên tới hơn 1.000 chiếc. Nhưng càng về nửa sau 2019, Wigo càng hiếm khi xuất hiện trong top 10.

Với tâm lý người mua xe lần đầu sợ mạo hiểm nên thường chọn theo số đông, bởi vậy càng khó khăn cho Mitsubishi Mirage, Suzuki Celerio, hay Honda Brio. VinFast Fadil lại là một ẩn số riêng, bởi có yếu tố thương hiệu Việt.

Ngôi vương phân khúc sedan hạng B: Toyota Vios

Điểm mặt những mẫu xe là "trùm doanh số" theo từng phân khúc tại Việt Nam - 2

Là mẫu xe được sử dụng cho chạy dịch vụ nhiều nhất, Toyota Vios liên tục phá vỡ kỷ lục bán hàng của chính mình với danh hiệu mẫu xe bán chạy nhất phân khúc, đồng thời cũng là mẫu bán chạy nhất tại thị trường Việt Nam từ trước tới nay.

Ra mắt vào năm 2003, Toyota Vios là một mẫu sedan 4 chỗ truyền thống, đủ rộng rãi dành cho gia đình, đủ bền bỉ cho kinh doanh vận tải, và lại là xe Nhật - Toyota, những yếu tố quá đủ để khách hàng lựa chọn. Vios nhanh chóng trở thành "ngôi sao cô đơn" khi xung quanh nó, những đối thủ còn chưa kịp ra đời, Daewoo Nubira hay Lanos lại dập mác “xe Hàn” vẫn mang quá nhiều hoài nghi cho thế hệ 7x trở về.

Toyota Vios hội tụ đủ các đặc trưng của thương hiệu xe Nhật phù hợp với thị trường Việt: cảm giác lái bình thường, thiết kế trung tính, tiện nghi, công nghệ an toàn “tạm chấp nhận”, nhưng lại bền bỉ, nhất là giá trị bán lại cao -  điều mà người ta quan tâm nhất trước cả khi mua xe. Triết lý này nếu được tung ra ở thời điểm hiện tại, Vios chắc sẽ khó sống bởi thị phần khách hàng trẻ hiện nay có nhu cầu khác. Nhưng Vios đã có mặt từ rất lâu.

Toyota tiếp tục duy trì công thức làm nên thành công cho Vios, đồng thời cố gắng chiều lòng tập khách hàng rộng hơn bằng cách trang bị an toàn thêm cho mẫu xe chủ lực. Để đấu lại một Hyundai Accent trẻ trung và cá tính, phiên bản 1.5 G CVT giá 570 triệu có 7 túi khí, cân bằng điện tử và cả khởi hành ngang dốc, không thua kém bất cứ một đối thủ nào. Đến hết tháng 8/2019, Toyota Vios cán mốc 16.787 xe bán ra, vẫn “chễm chệ” ngôi vương.

Ngôi vương phân khúc sedan hạng C: Mazda3

Điểm mặt những mẫu xe là "trùm doanh số" theo từng phân khúc tại Việt Nam - 4

Sự xuất hiện của Mazda3 như mang lại luồng gió mới cho phân khúc sedan hạng C mà trước đó người ta chưa từng nghĩ rằng có ngày Toyota Altis bị văng ra khỏi top 10.

Toyota Altis đó giờ vẫn mang nết điềm đạm, dù có nhiều sự thay đổi nhưng chưa đem lại kết quả bứt phá. Tệp khách hàng trẻ bị thuyết phục bởi công nghệ và thiết kế bắt mắt của Mazda3 hay Kia Cerato khiến Altis ngày dần bị “quên lãng”.

Mazda3 không có sự bảo thủ của xe Nhật điển hình mà mang thiết kế trẻ trung và mềm mại được lột xác bởi thiết kế Kodo. Ở thời điểm mới ra mắt, chiếc sedan được so sánh như một chiếc series 3 dẫn động cầu trước để thấy được lái Mazda3 thú vị. Nội thất được chăm chút từng bánh xe điều khiển và hàng loạt nút bấm ở xung quanh khu vực cần số, màn hình trung tâm được đẩy cao trên táp-lô mang phong cách của xe sang châu Âu.

Trong số các hãng xe Nhật tại Việt Nam, Mazda là hãng đầu tiên áp dụng chung một ngôn ngữ thiết kế cho tất cả các dòng xe, trừ chiếc bản tải BT-50. Sau này có thêm Mitsubishi với loạt sản phẩm mang thiết kế Dynamic Shield. Sự tươi mới của Mazda3 khiến khách hàng trở nên hứng thú với thương hiệu Nhật, vốn được biết đến với vẻ ngoài nhàm chán và luôn trang bị ít "đồ chơi" so với xe Hàn cùng tầm giá.

Lợi thế được THACO lắp ráp trong nước nên khách hàng có thể yên tâm về vấn đề phụ tùng thay thế hay các vấn đề hỏng hóc liên quan. Ở lần nâng cấp mới nhất, THACO trang bị cho Mazda3  màn hình hiển thị thông tin trên kính lái (HUD) ở phiên bản cao nhất và hệ thống kiểm soát gia tốc G-vectoring Control là trang bị tiêu chuẩn. Các option của Mazda3 không hề thua kém các đối thủ khác đến từ thương hiệu xe Hàn như Hyundai hay Kia.

Mặc dù đang nắm ngôi vương nhưng khoảng cách của Mazda3 với các đối thủ khác không hề xa. Tính tới hết tháng 08/2019, khoảng cách cộng dồn giữa Cerato và Mazda3 chỉ còn gần 800 xe, cả 2 mẫu xe này đều do THACO phân phối. Mazda3 thế hệ mới sẽ ra mắt trong tháng 10 tới đây.