Đèn nhận diện ban ngày, vì sao không nên ngắt?

Hiện nay một số mẫu xe, đặc biệt là xe máy Honda đã được trang bị đèn pha luôn sáng nhằm nâng cao mức độ an toàn trong điều kiện ban ngày.

Không nên chế thêm bộ công tắc bật/tắt đèn pha cho đèn luôn sáng đã được nhà sản xuất trang bị vì có thể gây cháy nổ

Trước đây, chỉ có các dòng xe máy và mô tô phân khối lớn được nhập khẩu về Việt Nam là không có công tắc đèn, còn các mẫu xe sản xuất trong nước đều có thể dễ dàng tắt bật đèn chiếu sáng. Gần đây, có hàng loạt xe máy của Honda không còn công tắc đèn, nghĩa là sẽ không thể tắt đèn dù ngày hay đêm. Do chưa quen với kiểu đèn sáng ban ngày nên nhiều chủ xe cảm thấy bất tiện, thậm chí còn có ý định tháo gỡ công tắc đèn chiếu sáng.

Chị Trần Thị Huyền (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Tôi đang sử dụng xe LEAD phiên bản 2019 có trang bị tính năng đèn pha luôn sáng, tuy nhiên tôi thấy hơi bất tiện vì sợ chói mắt các xe đi ngược chiều và tốn điện ắc quy xe. Tôi có nên chế thêm bộ công tắc tắt/bật cho đèn pha này không?".

Liên quan đến vấn đề này, kỹ thuật viên trưởng tại đại lý Honda tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, hiện nay có một số mẫu xe trang bị tính năng đèn pha luôn sáng tại Việt Nam như: SH 300i, SH125i/150i phiên bản 2020, Air Blade 150/125Cc phiên bản 2020, LEAD phiên bản 2019, Winner X, Future phiên bản 2020.

Việc thiết kế đèn pha luôn sáng nhằm mục đích nâng cao mức độ an toàn cho người điều khiển xe di chuyển trong điều kiện ban ngày nhưng ánh sáng không đủ do thời tiết xấu như nhiều mây, mưa, sương mù,.. hoặc ngõ tối.

Ngoài ra đèn luôn sáng còn có chức năng định vị giúp người đi ngược chiều phía trước nhận ra sự hiện diện của bạn từ xa. Tuy nhiên, cũng có thể với một số ít người, điều này có thể gây khó chịu.

Dù vậy, cũng không nên chế thêm công tắc bật/tắt đèn pha cho những xe này do công suất của hệ thống sạc điện và bình điện của xe được thiết kế để cung cấp cho hệ thống điện với đèn luôn sáng. Nếu ngắt hoạt động của đèn pha sẽ làm thay đổi công suất tiêu thụ ban đầu có thể dẫn đến hư hỏng hệ thống điện.

Ngoài ra, việc can thiệp vào mạch điện của xe không phải từ nhà sản xuất còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, chập điện có thể gây cháy nổ.

Một số nghiên cứu tại châu Á cho thấy, khoảng 60% các vụ TNGT liên quan đến xe máy xảy ra vào ban ngày và khoảng 80% trong điều kiện dòng giao thông hỗn hợp, trong đó xe máy đi chung làn đường và đi vào “điểm mù” của các phương tiện cơ giới bốn bánh. Bởi vậy, cần nâng cao tính năng nhận diện của xe máy.

Các lái xe khác sẽ cẩn thận hơn khi họ nhận ra có xe máy đang lưu thông xung quanh mình. Trên thế giới, một số nghiên cứu đã chứng minh, cách tốt nhất để nâng cao nhận diện là dùng đèn nhận diện.

Trong dự thảo Luật GTĐB sửa đổi cũng đưa vào quy định các phương tiện xe máy, mô tô cần có đèn luôn sáng nhằm tăng cường khả năng nhận diện của người lái xe đối với xe máy, giúp giảm thiểu TNGT. Tuy nhiên, bước đầu sẽ chỉ áp dụng cho các mẫu xe mới sản xuất.

Nguồn: https://xe.baogiaothong.vn/cam-thay-bat-tien-khi-den-pha-xe-may-luon-sang-co-nen-ngat-d-d512788....Nguồn: https://xe.baogiaothong.vn/cam-thay-bat-tien-khi-den-pha-xe-may-luon-sang-co-nen-ngat-d-d512788.html