Đề xuất xử phạt người cố tình chạy chậm trên đường giao thông

Một số ý kiến cho rằng tại sao CSGT không xử phạt những phương tiện cố tình chạy chậm, gây ảnh hưởng đến các xe khác đang muốn vượt xe khi tham gia giao thông. 

Ngày 22-5, PLO đăng tải bài viết với nội dung: “Chỉ được vượt xe bên trái khi tham gia giao thông?” đã nhận được nhiều bình luận từ bạn đọc.

Đề xuất xử nghiêm để răn đe

Đây là nội dung được trích dẫn từ Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) được đưa ra Quốc hội để lấy ý kiến, xem xét thông qua.

Bạn đọc có thể đọc lại nội dung quy định của Dự thảo về vượt xe và nhường đường cho xe xin vượt (tại đây). Sau đây PV trích lại một số bình luận của bạn đọc về việc vượt xe.

Bạn đọc T.Lê bình luận: “Vượt bên phải khi có 2 làn xe, 1 làn xe vượt sao được, phải có luật phạt những xe chạy chậm, chưa thấy ai bị phạt vì chạy chậm cả”.

Một bình luận khác: “Luật này đã có từ lâu, nhưng ngoài đường nhiều xe chạy dưới tốc độ cho phép 10-20 km, rồi thêm xe chở rơm rạ, xe cải tiến chạy nhan nhản xin vượt thì không cho, sao không phạt những xe đó? Nếu CSGT nếu làm đúng và nghiêm thì vi phạm sẽ giảm nhiều”.

Bạn đọc Tấn Phương Huỳnh bình luận: “Trước kia vẫn có luật rõ ràng rồi, xe vượt mà gây cản trở và gây tai nạn thì phải phạt như nào rồi, vì luật xử phạt chưa nghiêm nên các tài xế và chủ xe không sợ thôi. Hình phạt là chủ xe phải chịu hình phạt cao nhất thì mọi chuyện sẽ bình thường”.

Một số bạn đọc đề xuất cần xử phạt người cố tình chạy chậm. Ảnh: TN

Một số bạn đọc đề xuất cần xử phạt người cố tình chạy chậm. Ảnh: TN

Luật hiện hành quy định tốc độ xe ra sao?

Tốc độ tối đa

Theo quy định tại Điều 6, 7, 8, 9 Thông tư 31/2019 của Bộ GTVT quy định về tốc độ, khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ như sau:

Tốc độ tối đa của xe máy (xe mô tô) các khu vực

Tốc độ tối đa của xe máy trong khu vực đông dân cư: Đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên: 60 km/h. Đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới: 50 km/h.

Tốc độ tối đa của xe máy ngoài khu vực đông dân cư: Đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên: 70 km/h. Đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới: 60 km/h.

Tốc độ tối đa của xe gắn máy khi tham gia giao thông.

Tốc độ tối đa của xe gắn máy khi tham gia giao thông là không quá 40 km/h.

Tốc độ tối đa của xe ô tô

Tốc độ tối đa của xe ô tô trong khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc):

Đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên: 60 km/h.

Đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới: 50 km/h.

Tốc độ tối đa của xe ô tô trên đường cao tốc không vượt quá 120 km/h.

Điều 9 của Thông tư 31/2019 cũng quy định tốc độ của các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc như sau: Tốc độ tối đa cho phép khai thác trên đường cao tốc không vượt quá 120 km/h.

“Khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu đường bộ, sơn kẻ mặt đường trên các làn xe”- Thông tư quy định.

Đối với tốc độ tối thiểu, chỉ áp dụng khi có biển báo?

Tại Điều 3 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT về Báo hiệu đường bộ có định nghĩa như sau:

Giải thích từ ngữ

Trong Quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

...

3.47. Tốc độ tối đa cho phép là tốc độ lớn nhất trên một tuyến đường, đoạn đường hoặc làn đường được cấp có thẩm quyền quy định. Người điều khiển phương tiện không được phép vận hành xe ở tốc độ cao hơn.

3.48. Tốc độ tối thiểu cho phép là tốc độ nhỏ nhất trên một tuyến đường, đoạn đường hoặc làn đường được cấp có thẩm quyền quy định. Người điều khiển phương tiện không được phép vận hành xe ở tốc độ nhỏ hơn khi có điều kiện giao thông đảm bảo an toàn cho phép xe chạy với tốc độ cao hơn.

3.49. Tầm nhìn là khoảng cách đo dọc theo mặt đường tính từ mũi xe của một chiếc xe đang chạy đến một vật thể ở phía trước.

...

Bên cạnh đó, tại điểm D.6 Phụ lục D Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT về Báo hiệu đường bộ cũng có quy định như sau:

D.6 Biển số R.306 "Tốc độ tối thiểu cho phép"

a) Để báo tốc độ tối thiểu cho phép các xe cơ giới chạy, đặt biển số R.306 "Tốc độ tối thiểu cho phép".

...

Theo đó, biển tốc độ tối thiểu là biển về tốc độ nhỏ nhất mà phương tiện giao thông phải đạt được trên một tuyến đường, đoạn đường hoặc làn đường được cấp có thẩm quyền quy định.

Khi gặp biển báo này, người điều khiển phương tiện giao thông không được phép vận hành xe ở tốc độ nhỏ hơn khi có điều kiện giao thông đảm bảo an toàn cho phép xe chạy với tốc độ cao hơn.

Đề xuất xử phạt người cố tình chạy chậm trên đường giao thông - 2

Biển báo tốc độ tối thiểu, phần chữ số sẽ được điều chỉnh tuỳ thuộc vào khu vực, địa hình. (ảnh chụp màn hình)

Cũng theo điểm D.6 Phụ lục D Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT thì biển tốc độ tối thiểu có hiệu lực bắt buộc các loại xe cơ giới vận hành với tốc độ không nhỏ hơn trị số ghi trên biển trong điều kiện giao thông thuận lợi và an toàn.

Các loại xe có tốc độ tối đa theo quy định của nhà sản xuất không đạt tốc độ tối thiểu đã ghi trên biển không được phép đi vào đường có biển báo giao thông này.

Trị số ghi trên biển tốc độ tối thiểu cho phép tính bằng km/h và được quy định tùy theo tiêu chuẩn kỹ thuật của cầu đường và tổ chức giao thông, không được quy định trị số lớn hơn trị số tốc độ an toàn.

Thông thường, biển tốc độ tối thiếu chỉ áp dụng trên những đoạn đường cần nâng cao năng lực thông xe, ở ngoài khu đông dân cư, xe chạy với tốc độ cao.

Trường hợp đang tham gia giao thông người điều khiển phương tiện thấy biển báo R.306 có số 50, 60 hoặc....một số nào khác và có màu trắng, người điều khiển phương tiện phải chạy xe với tốc độ bằng hoặc lớn hơn vận tốc trên biển báo nếu không sẽ bị xử phạt hành chính.