Lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông cho biết, cơ quan chức năng sẽ không thu thập dữ liệu từ các thiết bị này mà chỉ đề nghị người dân hợp tác, cung cấp khi xảy ra các sự cố trên đường hoặc ghi nhận được các sự cố của xe khác.
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được Bộ Công an lấy ý kiến. Một trong những nội dung đáng chú ý là tại điểm c, khoản 1, điều 33 của dự thảo quy định điều kiện để xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình.
Theo dự kiến, Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10.2023) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5.2024). Nếu quy định trên được giữ nguyên, ôtô cá nhân cũng sẽ bắt buộc phải lắp đặt camera giám sát hành trình.
Liên quan đến vấn đề trên, ngày 19.9, lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an thông tin với báo chí, dù chưa đưa vào Luật nhưng thực tế hiện nay, đã có nhiều chủ phương tiện lắp camera hành trình.
Hầu hết, các chủ phương tiện xe cá nhân lắp đặt thiết bị này để tự bảo vệ mình trong các tình huống xảy ra sự cố trên đường.
Về lợi ích của việc ôtô cá nhân lắp camera hành trình, họ có thể chứng minh được đúng hay sai trong các tình huống bất ngờ trên đường, có thể lưu lại bằng chứng khi có kẻ gian xâm hại xe của mình.
Trước băn khoăn của nhiều chủ phương tiện khi tại dự thảo Luật đề xuất ôtô cá nhân: "Có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định", lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông cho biết, cơ quan chức năng sẽ không thu thập dữ liệu từ các thiết bị này mà chỉ đề nghị người dân hợp tác, cung cấp khi xảy ra các sự cố trên đường hoặc ghi nhận được các sự cố của xe khác.
Bên cạnh đó, các đề xuất được đưa ra mới chỉ là bản dự thảo, Bộ Công an sẽ chỉnh lí và ghi nhận sự đóng góp của người dân, cơ quan chức năng để đưa ra điều khoản hợp lý, khoa học và đảm bảo tính nhân văn.
Cũng theo vị lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông, mục đích lớn nhất khi cơ quan chức năng xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đảm bảo an toàn giao thông và làm giảm tai nạn.
Xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hoá giao thông hiện đại, mang tính ổn định lâu dài, khắc phục được những tồn tại, yếu kém hiện nay, hướng tới tiếp cận văn hoá giao thông của các nước phát triển, đề cao bảo vệ tính mạng con người.
Liên quan đến đề xuất ôtô cá nhân phải lắp camera hành trình, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho Lao Động biết: Cả nước hiện có hơn 1 triệu xe kinh doanh vận tải, chiếm 1/4 tổng số xe ôtô hiện có. Với đề xuất tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông, sẽ có gần 4 triệu ôtô sẽ phải lắp đặt thiết bị camera giám sát hành trình.
Theo ông Quyền, đây là một đề xuất có tác động lớn đến người dân. Do vậy, cần làm rõ mục tiêu của đề xuất cũng như việc quản lý, hình thành, tích hợp dữ liệu thu thập. Ông Quyền cho hay, cơ quan soạn thảo nên có nghiên cứu, khảo sát, trình bày rõ mục tiêu, ý tưởng quản lý để xem xét tính khả thi cũng như đánh giá tác động chi phí xã hội bỏ ra thực thi như thế nào so với ý nghĩa mang lại; như vậy sẽ thuyết phục hơn.