Đấu giá biển số xe: Làm sao cho hiệu quả?

Việc đấu giá biển số xe là cần thiết để tạo nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, phải có cơ chế ngăn chặn tiêu cực, lạm dụng cấp biển số để trục lợi

Bộ Công an vừa xây dựng dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá. Vấn đề này được dư luận rất quan tâm bởi nhu cầu chuyển nhượng biển số xe đẹp là có thật.

ô tô

Có nên cho, tặng, bán biển số?

Nhận định về dự thảo nghị quyết của Bộ Công an, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, ủng hộ việc đấu giá biển số xe đẹp vì đáp ứng nhu cầu của người dân, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách.

Theo TS Tạo, việc đấu giá biển số xe đẹp hoặc cấp biển số xe theo nguyện vọng thì trên thế giới đã làm từ lâu nhưng ở Việt Nam vẫn chưa triển khai được. "Ở nước ngoài, khi lựa chọn biển số, cơ quan chức năng sẽ thu một khoản phí cao hơn cấp biển số bình thường. Nếu có nhiều người cùng đăng ký một biển số thì mới đưa ra đấu giá. Biển số đã được cấp sẽ theo cá nhân suốt đời và không được trao đổi, mua bán" - TS Tạo nói.

TS Khương Kim Tạo cho rằng Việt Nam nên tính tới việc sau khi được cấp biển số, nếu người sở hữu chưa có xe, chưa sử dụng biển số thì phải trả phí duy trì hằng tháng. Bên cạnh đó, cũng nên quy định thời gian được giữ biển số xe là bao lâu khi chưa có xe để tránh tình trạng mua đi bán lại hoặc trục lợi, biến tướng thành dịch vụ kinh doanh biển số xe.

Tại dự thảo, Bộ Công an đưa ra 2 phương án. Phương án 1: Người trúng đấu giá được phép sử dụng nhưng cấm mua bán, trao đổi biển số. Phương án 2: Cho phép người dân được mua bán, cho, tặng, thừa kế, thế chấp biển số và thực hiện bằng cách đưa vào luật các quy định về các quyền cụ thể. Trong thời gian thí điểm, Bộ Công an đề xuất thực hiện phương án sử dụng biển số trúng đấu giá, chưa cho mua bán, chuyển nhượng.

Liên quan nội dung này, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên Tổ trưởng Tổ Xử lý vi phạm Đội CSGT số 1 thuộc Công an TP Hà Nội, góp ý: Trên cơ sở đấu giá, người trúng đấu giá có quyền sử dụng và sở hữu. Sau khi phương tiện hết hạn lưu thông hoặc không có nhu cầu sử dụng phương tiện nữa, người trúng đấu giá có thể cho, tặng, bán biển số xe…

Tạo nguồn thu cho ngân sách

Biển số

Thực tiễn cho thấy nhu cầu về biển số xe đẹp của người dân là rất lớn, nhiều người sẵn sàng bỏ ra tiền tỉ để có biển số mà mình mong muốn. Vấn đề là phải có cơ chế ngăn chặn tiêu cực, lạm dụng quy trình về vận hành cấp biển số để trục lợi. Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ kiến nghị cơ quan nhà nước cần có cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ để tránh tình trạng tiêu cực, không minh bạch, lợi dụng việc đấu giá làm sai lệch tính nhân văn, văn minh trong đấu giá biển số xe. "Khi đấu giá sẽ thu về cho nhà nước nguồn ngân sách rất lớn. Từ nguồn thu đó đem đầu tư cho hạ tầng giao thông sẽ tăng văn minh giao thông và giảm tai nạn giao thông" - thượng tá Quỹ nhấn mạnh.

Góp ý về pháp lý, ThS Bùi Phan Anh - giảng viên Tổ Bộ môn Đấu giá Học viện Tư pháp - cho rằng việc đấu giá biển số xe phải coi như tài sản được đấu giá theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản, chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 là đấu giá tài sản nhà nước, thực hiện theo trình tự của Luật Đấu giá năm 2016. Giai đoạn 2 là đấu giá tài sản khi đã thuộc về sở hữu tư nhân thì cho người trúng đấu giá được giao dịch, chuyển nhượng.

"Nếu cho người trúng đấu giá biển số xe có quyền định đoạt biển số - mua, bán, cho… - sẽ tạo nên thị trường giao dịch, kích thích tính thị trường, càng tăng giá trị của biển số đó. Lúc đó, thông qua việc đấu giá biển số xe và thuế chuyển nhượng biển số, sẽ đem về nguồn thu cho ngân sách lớn hơn" - ThS Anh nhấn mạnh.

(Theo:Nguoilaodong)