Cụ thể, các biển số đẹp được những người chuyên tham gia đấu giá tranh mua, sau đó rao bán lại với giá chênh từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, theo Thông tư 24/2023/TT-BCA, biển số trúng đấu giá chỉ được chuyển nhượng một lần duy nhất, phải kèm theo một chiếc xe gắn với nó. Người trúng đấu giá chỉ có thời gian 12 tháng để gắn biển số lên xe. Nếu quá thời hạn biển số sẽ được thu hồi về kho biển số.
Như vậy, nếu trong thời hạn 12 tháng, những người buôn biển số không đẩy được những biển số xe số đẹp đã “ôm” trước đó thì nguy cơ lỗ nặng rất cao.
Gần Tết, trên các diễn đàn đã xuất hiện thông tin rao bán một số biển đẹp như: 30L-255.55, 30K-922.99, 43A-879.79…với mức giá thấp hơn nhiều so với kết quả đấu giá được công khai trên website của đơn vị đấu giá.
Đáng chú ý, có biển số 30K-788.88 đang được rao bán với mức giá 720 triệu đồng. Trước đó, vào ngày 10/4/2024, biển số này từng được chốt giá công khai là 955 triệu đồng. Như vậy, người bán đang lỗ hơn 200 triệu đồng.
Việc bán biển số thấp hơn mức trúng đấu giá của những dân buôn này được coi là “xả kho”, cố vớt vát lại chút vốn trước khi biển số bị thu hồi về kho.
Vào ngày 4/9, Bộ Công An đã phê duyệt kế hoạch đấu giá biển số xe ô tô phiên đấu giá lần thứ năm, với tổng số 388.389 biển số.
Danh sách biển số có đủ 63 tỉnh, thành. Trong đó, biển số xe của TP Hà Nội có số lượng nhiều nhất với 56.410 biển, TP Hồ Chí Minh đứng thứ hai với 53.860 biển.
Theo thống kê của Cục CSGT, tính đến ngày 4/9, đã trải qua 207 ngày đấu giá. Tổng số biển đưa ra đấu giá là 1.268.852 biển; số biển đấu giá thành là 35.563 biển và tổng giá trị tài sản đấu thành hơn 3.281.310.000.000 đồng. Đáng chú ý, tổng số tiền người trúng đấu giá đã nộp là 3.026 tỷ.
Một số biển số được chốt giá khá cao như: 51K-888.88 là 15 tỷ 265 triệu đồng; 30K-555.55 là 14 tỷ 495 triệu đồng; 11A-111.11 là 8 tỷ 780 triệu đồng; 72A-77777 là 6 tỷ 850 triệu đồng; 88A-666.66 là 6 tỷ 705 triệu đồng.
TH (Tuoitrethudo)