Những chiếc Mazda BT-50 2021 với đủ các phiên bản đã có mặt tại đại lý, chỉ chờ ngày ra mắt và mở bán. Đây là thế hệ hoàn toàn mới của mẫu bán tải Mazda, đổi sang sử dụng nền tảng của Isuzu D-Max thay vì Ford Ranger như trước. Do đó, xe cũng sẽ có rất nhiều thay đổi so với đời cũ.
Theo thông tin từ đại lý, có tổng cộng 4 phiên bản BT-50 gồm MT 4x2, AT 4x2, Luxury 4x2 và Premium 4x4 theo thứ tự từ tiêu chuẩn đến cao cấp nhất. Giá 4 phiên bản này lần lượt là 659 triệu, 709 triệu, 789 triệu và 849 triệu. Những khách hàng đặt cọc thời điểm đầu được giảm giá 20 triệu đồng.
Đến nay, trang bị cụ thể của cả 4 phiên bản đã được đại lý tiết lộ.
Hai bản Luxury và Premium có thể phân biệt được với hai bản thấp ngay từ ngoại hình. Cả 4 phiên bản dùng đèn chiếu sáng LED và đèn sương mù LED nhưng chỉ hai bản cao nhất mới có dải LED viền định vị ban ngày dạng vòng tròn. Các thanh lưới tản nhiệt có viền bạc cũng là chi tiết khác biệt giữa bản cao cấp và bản thấp.
Bên cạnh đó, hai bản cao sử dụng bộ vành 5 chấu kép kích thước 18 inch phối hai tông màu, đi kèm lốp 265/60R18, trong khi hai bản thấp dùng vành 6 chấu kép kích thước 17 inch màu ghi xám, kết hợp lốp 255/65R17.
Ngoài ra, hai bản cao nhất có đèn tự động bật/tắt và gạt mưa tự động, còn các bản thấp chỉ chỉnh tay.
Ở nội thất, trang bị 4 phiên bản có sự phân hoá rõ ràng hơn. Bản Premium cao cấp nhất có nội thất da màu nâu, ghế lái chỉnh điện, hệ thống khởi động nút bấm kèm chức năng đề nổ từ xa, điều hoà tự động hai vùng, cửa gió hàng ghế sau, tựa tay hàng ghế sau, gương chống chói tự động, màn hình 9 inch cảm ứng và âm thanh 8 loa hiệu ứng vòm.
So với bản Premium thì bản Luxury chỉ có ghế bọc nỉ, chỉnh tay, đề nổ bằng chìa cơ và hệ thống âm thanh rút còn 6 loa.
Hai bản MT và AT có nội thất tương tự nhau, bao gồm ghế nỉ, chỉnh tay, đề nổ bằng chìa cơ, điều hoà cơ, không có cửa gió phía sau, không có tựa tay hàng ghế sau, gương chống chói cơ, màn hình chỉ có kích thước 7 inch kèm âm thanh 6 loa.
Trang bị an toàn trên BT-50 mới có 3 điểm mới tích cực là hệ thống cảm biến va chạm trước/sau, cảnh báo điểm mù và 7 túi khí trên bản Premium. Các hệ thống an toàn cơ bản khác trên mẫu xe này còn có hỗ trợ phanh (ABS, EBD, BA), cân bằng điện tử, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, camera lùi và ga tự động (chỉ có trên các bản số tự động).
Bản Luxury khác ở 6 túi khí. Hai bản thấp nhất chỉ có 2 túi khí và chỉ có cảm biến va chạm phía sau.
Chỉ có duy nhất động cơ sử dụng chung cho 4 phiên bản là máy diesel dung tích 1,9 lít giống đối thủ D-Max, cho công suất 148 mã lực, mô-men xoắn 350 Nm, kết hợp số tự động 6 cấp hoặc số sàn 6 cấp. Chỉ bản Premium có hệ dẫn động hai cầu. Hệ thống phanh đều là phía trước đĩa, phía sau tang trống. Hệ thống trợ lực thuỷ lực.
Động cơ là chi tiết có thể coi là "cải lùi" so với đời trước. Trước đây, mẫu xe này có tới hai tuỳ chọn động cơ là máy 2,2 lít, công suất 148 mã lực, mô-men xoắn 375 Nm, và máy 3,2 lít, công suất tới 197 mã lực, mô-men xoắn 470 Nm. Đối với bán tải, động cơ là một trang bị quan trọng. Việc chỉ có một loại động cơ với sức mạnh thấp có thể sẽ khiến BT-50 khó cạnh tranh hơn với Triton, Hilux và Ranger.
Trong phân khúc bán tải tại Việt Nam, Ford Ranger vẫn luôn duy trì vị trí nhất bảng về doanh số theo thống kê của VAMA. Trong thời gian gần đây, Toyota Hilux thường đứng thứ hai, còn Mitsubishi Triton ở vị trí thứ 3. Mazda BT-50 và Isuzu D-Max là hai mẫu xe chia sẻ những vị trí cuối cùng.