Chuyên gia 43 năm ngành xe Việt Nam: ‘Xe Trung Quốc rất dễ chơi lớn tại VMS năm nay’

Theo nhận định của ông Vũ Tấn Công, Vietnam Motor Show 2024 sẽ có thể có nhiều biến động, vừa là cơ hội mà cũng trở thành thách thức cho các hãng xe tham dự.
Chuyên gia 43 năm ngành xe Việt Nam: ‘Xe Trung Quốc rất dễ chơi lớn tại VMS năm nay’ - Ảnh 1.

Tháng 10/2024 tới đây, Vietnam Motor Show (VMS) sẽ trở lại sau một năm 2023 phải hoãn tổ chức. Lý do khi đó được giới chuyên gia nhận định là bởi tình hình thị trường ô tô Việt Nam đi xuống trước sự ảnh hưởng của nền kinh tế vĩ mô. Trước đó nữa, VMS cũng từng bị hoãn một số lần do tác động của dịch bệnh Covid-19. Bởi lẽ đó, VMS 2024 hứa hẹn sẽ được đông đảo người tiêu dùng trong nước trông chờ.

Chuyên gia 43 năm ngành xe Việt Nam: ‘Xe Trung Quốc rất dễ chơi lớn tại VMS năm nay’ - Ảnh 2.

Toyota mang những sản phẩm "hot" về VMS 2022 trước khi sự kiện lớn này phải hoãn tổ chức trong năm sau đó.

Đến thời điểm này, thông tin về sự kiện triển lãm ô tô lớn nhất Việt Nam năm nay vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, từ góc độ chuyên gia đã có khoảng 43 năm kinh nghiệm trong ngành ô tô Việt Nam, ông Vũ Tấn Công đã đưa ra những quan điểm về cơ hội, thách thức cũng như kỳ vọng cho kỳ triển lãm lần này.

Đôi nét về ông Vũ Tấn Công

Ông Vũ Tấn Công đã có khoảng 43 năm làm việc trong ngành công nghiệp ô tô. Trong đó, ông đã có 22 năm kinh nghiệm trong công việc tiếp thị và kinh doanh ô tô, làm việc cho các hãng xe lớn như Mercedes-Benz, Ford, Daewoo, Mekong…, 7 năm kinh nghiệm cung cấp dịch vụ tư vấn về công nghiệp và kinh doanh ô tô Việt Nam và đặc biệt là 2 năm làm Tổng Thư ký Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA).

Bên cạnh đó, ông còn từng có 12 năm giảng dạy ngành cơ khí ô tô tại Đại học Giao thông Vận tải. Trước đó, ông có hai bằng cử nhân về Cơ khí Sửa chữa Ô tô tại Đại học Giao thông Vận tải và Tiếng Anh tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội.

Dưới đây là quan điểm của ông Vũ Tấn Công về cơ hội, thách thức và kỳ vọng với VMS 2024.

Nhiều cơ hội với những gương mặt mới

Theo ông Vũ Tấn Công, việc quyết định lãm triển lãm ô tô hay không phụ thuộc vào 2 yếu tố (không tính yếu tố dịch bệnh như Covid-19):

  • Tình hình thị trường ô tô Việt Nam
  • Số lượng doanh nghiệp tham gia triển lãm

Trong khi đó, sự thành công của triển lãm ô tô được đánh giá qua 4 yếu tố:

  • Số lượng công ty/doanh nghiệp tham gia triển lãm
  • Số lượng khách (lượt người) đến xem triển lãm
  • Số lượng hàng hóa bán được ngay tại triển lãm
  • Số lượng ô tô bán ra trong năm triển lãm & các năm tiếp theo

Thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng trong 3-5 năm tới

Ông Vũ Tấn Công cho biết số lượng xe ô tô/1.000 dân tại Việt Nam còn khá khiêm tốn so với các nước xung quanh.

Quốc gia

Số xe ô tô/1.000 dân (*)

Việt Nam

50 (lấy tròn)

Nhật Bản

612

Malaysia

535

Hàn Quốc

458

Thái Lan

227

Trung Quốc

223

(*) Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, thống kê của Tổng cục Dân số đến 31/12/2022 và thông tin tổng hợp từ Internet

Theo nghiên cứu của ông, số lượng ô tô thực sư bán ra tại Việt Nam tỷ lệ tuyến tính với: Thu nhập bình quân trên đầu người (USD/người), quy mô dân số (triệu người) và tốc độ tăng dân số (%), tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội GDP (%) và chính sách của Chính phủ về thuế và các loại phí trên ô tô liên quan đến sở hữu và sử dụng ô tô.

Chuyên gia 43 năm ngành xe Việt Nam: ‘Xe Trung Quốc rất dễ chơi lớn tại VMS năm nay’ - Ảnh 3.

Số lượng ô tô bán ra đến tay người tiêu dùng cuối cùng tại Việt Nam trong các năm (2020-2023) - Nguồn: Vũ Tấn Công

Việt Nam có 100 triệu người (số lấy tròn, tính đến 30/3/2024), thu nhập bình quân đầu người là 4.284 USD/người (tính đến ngày 31/12/2023). Theo Ngân hàng thế giới (World Bank), tăng trưởng GDP của Việt Nam là khoảng 5,5% năm 2024 và 6% năm 2025.

Theo tính toán của ông Vũ Tấn Công, thị trường ô tô Việt Nam có thể sẽ đạt mốc 560.000-570.000 xe năm 2024 và 600.000-610.000 xe vào năm 2025.

Chuyên gia 43 năm ngành xe Việt Nam: ‘Xe Trung Quốc rất dễ chơi lớn tại VMS năm nay’ - Ảnh 6.

Ông Vũ Tấn Công kỳ vọng vào một mức tăng trưởng trong việc tiêu thụ ô tô tại Việt Nam trong những năm tới.

Như vậy, về mặt thị trường ô tô thì rất cần thiết phải thực hiện triển lãm ô tô VMS 2024, 2025 và những năm tiếp theo. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có cơ hội tốt cho các kỳ VMS trong các năm 2024-2025.

Ngoài các hãng xe có truyền thống tham gia sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc

Theo thống kê của ông Vũ Tấn Công, tính đến 31/12/2023, Việt Nam có 44 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, nhập khẩu và cải tạo ô tô. Theo thống kê của Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có 259 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô. Như vậy, sẽ có trên 300 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có thể tham gia vào VMS 2024. Con số này chưa kể các doanh nghiệp phân phối ô tô, kinh doanh phụ tùng và đồ chơi ô tô.

Chuyên gia 43 năm ngành xe Việt Nam: ‘Xe Trung Quốc rất dễ chơi lớn tại VMS năm nay’ - Ảnh 7.

VMS sẽ còn có những doanh nghiệp kinh doanh phụ tùng ô tô tham gia.

Việc một công ty hay doanh nghiệp trong ngành công nghiệp ô tô có tham gia hay không vào một triển lãm ô tô phụ thuộc chủ yếu vào:

  • Tình hình thị trường ô tô trong giai đoạn (3-5) năm tới
  • Chiến lược thâm nhập và phát triển thị trường ô tô Việt Nam của công ty trong (3-5) năm tới.

Nhận biết sự phát triển thị trường ô tô Việt Nam nói trên, nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã có kế hoạch vào thị trường Việt Nam cả dưới dạng xe nhập khẩu nguyên chiếc dạng CBU (Completely-Built-Unit) và sản xuất - lắp ráp trong nước dạng CKD (Completely-Knocked-Down).

Một số thương vụ nổi bật có thể kể đến như:

  • BYD hợp tác với SAVICO phân phối ô tô con nhãn hiệu BYD nguyên chiếc nhập khẩu
  • GAC hợp tác với Tập đoàn Tan Chong Việt Nam phân phối ô tô con nhãn hiệu GAC nguyên chiếc nhập khẩu
  • GAC AION hợp tác với Harmony Hong Kong (100% đầu tư nước ngoài vào Việt Nam) phân phối ô tô con nhãn hiệu GAC AION và Hyper nguyên chiếc nhập khẩu
  • Haima hợp tác với VivuCar phân phối ô tô con nhãn hiệu Haima nguyên chiếc nhập khẩu
  • Omoda và Jaecoo (thuộc Chery) liên doanh với tập đoàn Geleximco để lắp ráp và phân phối ô tô con nhãn hiệu Omoda và Jaecoo tại Việt Nam…
Chuyên gia 43 năm ngành xe Việt Nam: ‘Xe Trung Quốc rất dễ chơi lớn tại VMS năm nay’ - Ảnh 8.

Nhiều hãng xe Trung Quốc có thể sẽ "chơi lớn" tại VMS năm nay.

Như vậy, ngoài các nhà sản xuất, nhập khẩu ô tô và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô truyền thống tham dự VMS còn có các nhà sản xuất và nhập khẩu ô tô Trung Quốc nói trên. Tất cả họ sẽ là các nhà tham gia VMS 2024 rất tiềm năng.

Không ít thách thức cho cả triển lãm và các hãng tham gia

Hạn chế về thương hiệu

Trong số các nhà sản xuất, nhập khẩu ô tô và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô truyền thống đã từng tham dự vào VMS trước đây, sẽ có thể có doanh nghiệp không tham gia vào VMS 2024 vì lý do của bản thân doanh nghiệp.

Các lý do có thể là hiệu quả của việc tham gia triển lãm chưa tương xứng với số tiền bỏ ra tham gia triển lãm, công ty chưa có chiến lược mở rộng thị trường Việt Nam và/hoặc công ty họ chưa có thêm sản phẩm mới…

Chuyên gia 43 năm ngành xe Việt Nam: ‘Xe Trung Quốc rất dễ chơi lớn tại VMS năm nay’ - Ảnh 9.

VMS năm có thể sẽ vắng bóng một số thương hiệu xe quen thuộc.

Khi có ít hơn doanh nghiệp tham gia VMS 2024, một mặt làm cho triển lãm kém sôi động và hấp dẫn hơn, mặt khác đẩy chi phí tham gia triển lãm cao hơn cho các doanh nghiệp tham dự.

  • Giải pháp khắc phục: Ban tổ chức triển lãm (VAMA) cần phải nỗ lực hơn trong việc thu hút các công ty/doanh nghiệp tham gia triển lãm càng nhiều càng tốt và đàm phán giá thuê địa điểm tốt hơn với chủ cho thuê địa điểm triển lãm khi có ít hơn công ty/doanh nghiệp tham dự triển lãm.

Hạn chế về khách tham quan

Do triển lãm ô tô đòi hỏi một không gian rất lớn trong nhà, nên Trung tâm Hội trợ và Triển lãm Sài Gòn SECC (Saigon Exhibition and Convention Center) gần như là địa điểm duy nhất tại Việt Nam có đủ không gian trong nhà để tổ chức VMS. Điều này sẽ hạn chế khách thăm quan triển lãm từ các tỉnh miền trung và các tỉnh phía bắc. Điều đó sẽ làm giảm phần nào hiệu quả của triển lãm.

  • Giải pháp khắc phục: Ban tổ chức có chương trình truyền thông về triển lãm ô tô đúng đắn & hiệu quả và lựa chọn đúng đối tác truyền thông cho triển lãm.

Kỳ vọng từ VMS 2024

Về phía doanh nghiệp tham gia:

VMS 2024 dự kiến diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 10, nhưng việc chuẩn bị cho triển lãm được bắt đầu khá sớm, ngay từ đầu năm 2024. Một thời gian dài chuẩn bị sẽ giúp cho ban tổ chức chuẩn bị tốt chương trình triển lãm, thuyết phục được nhiều công ty trong ngành công nghiệp ô tô tham dự, đàm phán giá thuê địa điểm tốt với SECC, lựa chọn đối tác truyền thông tốt và tin cậy...

Đối với các đơn vị tham dự triển lãm, một thời gian dài chuẩn bị sẽ giúp cho doanh nghiệp chuẩn bị tốt chương trình tham dự triển lãm của mình, lưa chọn đối tác trang trí gian hàng, lựa chọn đối tác truyền thông tốt và tin cậy, mời khách tham quan gian hàng của mình, chuẩn bị sản phẩm để trưng bày và giới thiệu tại triển lãm, lựa chọn đối tác nghiên cứu thị trường và sản phẩm của doanh nghiệp...

Chuyên gia 43 năm ngành xe Việt Nam: ‘Xe Trung Quốc rất dễ chơi lớn tại VMS năm nay’ - Ảnh 10.

Các thương hiệu có nhiều thời gian chuẩn bị cho VMS 2024.

Về mặt thị trường:

Với thị trường ô tô Việt Nam đang khởi sắc, với các chính sách của Chính phủ Việt Nam về phát triển thị trường ô tô và công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ ban hành trong các năm 2024-2025 và với nỗ lực của ban tổ chức và các doanh nghiệp tham gia triển lãm, có thể hy vọng VMS 2024 sẽ thành công tốt đẹp.

Điều này sẽ được thể hiện qua các con số và kết quả dự báo như sau:

  • 70-80% các doanh nghiệp sản xuất ô tô, nhập khẩu ô tô và cải tạo (hoán cải) ô tô tham dự triển lãm
  • 25-30% doanh nghiệp tham dự triển lãm ô tô VMS 2024 bán được sản phẩm ngay trong thời gian triển lãm
  • Các doanh nghiệp tham dự triển lãm sẽ xác định được phân khúc ô tô con (phân khúc A, B, C, D, E và F) và kiểu loại thân xe ô tô con (hatchback, sedan, CUV, SUV, MPV) phù hợp với thị trường Việt nam trong các năm tới
  • Định vị đúng vị trí sản phẩm ô tô (vị trí nhãn hiệu và giá cả) của mình trên thị trường Việt Nam
  • Doanh số bán ô tô đến tay người tiêu dùng tại thi trường Việt Nam năm 2024-2025 đạt các con số dự báo nêu trên của ông Vũ Tấn Công.

"Triển lãm Ô tô Việt Nam, viết tắt theo tiếng Anh là VMS (Vietnam Motor Show), là triển lãm chuyên ngành về công nghiệp ô tô Việt Nam do Hiệp hội các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam VAMA (Vietnam Automobile Manufacturers' Association) tổ chức thường niên vào tháng 10 hàng năm.

Tham gia vào triển lãm ô tô Việt Nam VMS gồm có: Các nhà sản xuất ô tô, các nhà nhập khẩu ô tô, các nhà cải tạo (hoán cải) ô tô, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô, các nhà phân phối ô tô, các nhà cung cấp đồ chơi ô tô và các nhà cung dịch vụ tư vấn về công nghiệp và kinh doanh ô tô Việt Nam.

Tất cả các doanh nghiệp nói trên khi tham gia vào triển lãm ô tô Việt Nam (VMS) đều theo nguyên tắc tự nguyện.

Mục tiêu chính của các doanh nghiệp tham gia triển lãm ô tô Việt Nam (VMS) bao gồm: Bán sản phẩm (ô tô, linh kiện và phụ tùng, đồ chơi ô tô và dịch vụ tư vấn về sản xuất và kinh doanh ô tô tại Việt Nam), quảng bá nhãn hiệu (thương hiệu) và / hoặc hình ảnh công ty, giới thiệu và lắng nghe ý kiến của thị trường về sản phẩm mới (chủ yếu là ô tô) của mình và nghiên cứu và nắm bắt nhu cầu thị trường ô tô Việt Nam trong các năm tiếp theo (khoảng 3-5 năm sắp tới). Do vậy, triển lãm ô tô Việt Nam VMS thường diễn ra vào tháng 10 hàng năm vì ba tháng cuối năm trước Tết Âm lịch là các tháng bán được nhiều ô tô nhất tại Việt Nam (theo thống kê của ông Vũ Tấn Công).

Tuy nhiên, cũng xin lưu ý là triển lãm Ô tô Việt Nam (VMS) cũng đã từng bị gián đoạn một số lần do dịch bệnh và tình hình thị trường ô tô Việt Nam đi xuống."

- Vũ Tấn Công