Chưa giảm 50% phí trước bạ, ô tô nội đã cắt khuyến mại có hợp lý?

Mặc dù vẫn phải ‘chờ’ quyết định chính thức từ Quốc hội về việc giảm 50% phí trước bạ, tuy nhiên các đại lý bắt đầu rục rịch hạ mức khuyến mại khiến cho khách hàng khá bức xúc.
chua giam 50 phi truoc ba o to noi da cat khuyen mai co hop ly
 

Cắt khuyến mại, tăng giá khi chưa có quyết định giảm 50% phí trước bạ

Sau thời gian "đóng băng" vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thị trường ôtô Việt Nam đã có những biến động mạnh khi các đại lý chính hãng liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi giảm giá bán, thêm quà tặng phụ kiện cho khách mua xe.

Bên cạnh đó, thị trường ôtô Việt bắt đầu nóng lên với những chương trình giảm giá bán sâu lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả những mẫu xe có doanh số cao trên thị trường như Toyota Vios cũng được áp dụng mức khuyến mãi cao. Đặc biệt, với những thông tin Thủ tướng đồng ý chủ trương giảm 50% lệ phí trước bạ, thị trường xe Việt đã bắt đầu có dấu hiệu sôi động hơn hẳn. Theo đó, lượng khách hàng hỏi mua xe có phần tăng hơn trước.

Thế nhưng, đây cũng chính là thời điểm nhiều đại lý ô tô tại Hà Nội bắt đầu có động thái cắt giảm khuyến mãi và điều chỉnh giá một số mẫu xe. Cụ thể, nhân viên kinh doanh tại một số đại lý Toyota ở Hà Nội cho biết, một số mẫu xe chủ lực như Vios, Corolla Altis, Fortuner đã cắt giảm mức ưu đãi đáng kể so với đầu tháng.

Lệ phí trước bạ chưa chính thức được giảm 50% nhưng giá xe nội địa đã quay đầu tăng nhẹ. Trong khi người mua thì có tâm lý chờ đợi. Điều này dẫn đến những tranh cãi từ cả phía người mua và người bán.

Nếu như thời điểm đầu tháng, Toyota Vios được giảm từ 25 - 35 triệu đồng tùy theo từng phiên bản thì nay, đại lý hạ mức ưu đãi chỉ còn 5 - 15 triệu đồng. Tương tự Toyota Vios, Corolla Altis cũng chỉ còn được giảm 30-45 triệu đồng thay vì 60 - 65 triệu đồng như trước đó.

Đặc biệt, các đại lý Hyundai thời điểm này cũng đặt trong hoàn cảnh giống các đại lý Toyota với thông tin sẽ giảm mức ưu đãi từ 5 - 10 triệu đồng ở nhiều dòng xe. Tiêu biểu như mẫu Hyundai Kona hồi giữa tháng được giảm giá mạnh lên tới 60 triệu đồng.

Thế nhưng mới đây, các đại lý đã nhanh chóng điều chỉnh về mức giảm còn 50 triệu đồng. Thậm chí, Hyundai Accent trước đó được giảm 15 triệu đồng thì nay đã quay về giá niêm yết khiến nhiều khách hàng ngỡ ngàng.

Trên thực tế, phần lớn khách hàng đang bày tỏ bức xúc và phản đối trước việc các đại lý dựa vào thông tin giảm phí trước bạ để cắt bớt khuyến mãi. Trao đổi với AutoBikes, nhân viên kinh doanh một đại lý Honda tại Hà Nội cho biết: “Nhiều khách hàng tỏ ra hụt hẫng trước việc tăng giá xe và dừng ý định mua xe khi biết ưu đãi giảm giá dành cho xe thay đổi. Hoặc có những khách hàng có ý định mua xe sẽ chuyển qua tham khảo dòng xe khác chứ không còn ý định quan tâm tới mẫu xe dự định mua

Cụ thể, đối với dòng CR-V trước đó có mức ưu đãi lên tới 130 triệu đồng, tuy nhiên vào thời điểm hiện tại mức ưu đãi giảm xuống chỉ còn 30 triệu đồng, khiến cho nhiều người khá bức xúc vì các ưu đãi dành cho xe bị cắt bớt.”

Theo lời giải thích nhân viên này cho rằng, việc các đại lý cắt giảm khuyến mại là để bù lỗ do quãng thời gian dài kinh doanh không lãi trước đó hay chịu lỗ để bán xe tồn kho. Bên cánh đó, việc giảm 50% phí trước bạ của Chính phủ không chỉ hỗ trợ khách hàng, mà còn để giúp các hãng và đại lý xe phục hồi sau thời gian dài kinh doanh ảm đạm vì dịch bệnh.

Nếu dùng chiêu trò, ô tô nội sẽ bị khách Việt “quay lưng”

Theo một số chuyên gia kinh tế cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nhiều lao động bị mất việc, giảm thu nhập, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, vì vậy nhu cầu về ô tô không cao. Lượng tồn kho ô tô hiện vẫn rất lớn, trong khi Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo năm 2020 nhu cầu xe giảm 15% so với 2019. Cung vượt cầu, xe vẫn phải giữ giá thấp, tăng khuyến mãi. Hơn nữa, nếu chỉ có lệ phí trước bạ giảm 50% chưa hẳn đã hấp dẫn khách hàng. Vì vậy, xe trong nước cần phải giữ giá thấp để tạo lợi thế nếu muốn tăng doanh số.

Bên cạnh đó, việc giảm khuyến mãi thậm chí tăng giá đối với bất kỳ mặt hàng không thiết yếu lúc này là bất lợi cho các hãng sản xuất bởi người tiêu dùng đang có xu hướng thắt chặt hầu bao do thu nhập giảm, tình hình dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp.

Sau thời gian dài bị “đóng băng” do dịch bệnh Covid-19, khiến cho doanh số bán ra quý I/2020 giảm 33% so với cùng kì năm ngoái. Đây là một thực tế rất đáng lo ngại đối với các đại lý xe trong bối cảnh nhu cầu mua xe xuống thấp như hiện nay, nếu tăng giá dù bất kỳ lý do gì sẽ khiến người tiêu dùng quay lưng về phía mình.

Trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp đang muốn kích cầu mua sắm trở lại thì việc cắt giảm khuyến mại vô lý sẽ khiến cho không ít đại lý "méo mặt" lo sợ thị trường có nguy cơ "đóng băng" lần nữa.

Một chuyên gia về thị trường ô tô cho biết, "Thị trường xe hơi ở phân khúc xe phổ thông khá cạnh tranh, Chính phủ giảm phí trước bạ để hỗ trợ người tiêu dùng, gián tiếp giúp doanh nghiệp trong nước vượt khó. Các doanh nghiệp lúc này phải chia sẻ với khách hàng, đừng dùng các chiêu trò, thủ thật, bấp chấp lợi nhuận để đánh mất thị trường và niềm tin khách hàng. Giảm phí trước bạ là cơ hội, doanh nghiệp và các đại lý phải biết nắm bắt, tận dụng, đừng coi đây là miếng mồi chộp giật, kiếm lợi nhuận ngắn hạn".

Bên cạnh đó, đối với khách hàng hãy là người tiêu dùng thông minh, chọn mua các sản phẩm phù hợp với mức giá tốt nhất. Ở từng phân khúc sản phẩm, các mẫu xe đều có chất lượng cũng như trang bị khá đồng đều, không cần thiết phải lao theo các sản phẩm bán chạy để bị đại lý ép giá.