Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định 73 đó là quy định ô tô nhập khẩu có mã HS 8703.23.63 và 8703.23.57 sẽ có mức thuế nhập khẩu giảm từ 64% xuống còn 50%; ô tô nhập khẩu có mã HS 8703.24.51 cũng giảm từ 45% xuống 32% để thống nhất mức thuế của 3 mã HS này.
Mã HS 8703.23.63 gồm các mẫu ô tô có khoang hành lý chung và ô tô thể thao, loại 4 bánh chủ động, dung tích xi lanh trên 2.000 cc đến 2.500 cc.
Mã HS 8703.23.57 gồm ô tô thuộc dòng sedan dung tích xi lanh trên 2.000 đến 2.500 cc. Còn mã HS 8703.24.51 gồm các mẫu ô tô khác loại 4 bánh chủ động.
Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh thuế MFN với một số loại ô tô nhằm đa dạng nguồn cung xe nhập khẩu, tăng cạnh tranh trên thị trường và xây dựng hệ thống thuế phù hợp với xu hướng phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Dự kiến, việc điều chỉnh thuế nhập khẩu theo diện ưu đãi MFN có thể khiến ngân sách nhà nước giảm khoảng 8,81 triệu USD, dựa trên kim ngạch nhập khẩu chịu thuế MFN năm 2024. Tuy nhiên, mức giảm thực tế có thể thấp hơn nếu lượng xe nhập khẩu từ các quốc gia thuộc diện MFN tăng lên, thay thế dần nguồn nhập khẩu từ ASEAN.
Theo Bộ Tài chính, kim ngạch nhập khẩu của ba dòng ô tô thuộc diện điều chỉnh thuế chủ yếu đến từ các quốc gia có mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, như Thái Lan (thuộc Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN – ATIGA) và Nhật Bản (trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP).
Tính đến năm 2024, quy mô thị trường ô tô Việt Nam khoảng 510.000 xe/năm, trong đó sản lượng sản xuất, lắp ráp trong nước là 338.000 xe/năm và sản lượng nhập khẩu là hơn 173.000 xe/năm. Thị trường nhập khẩu chủ yếu từ các nước ASEAN đang áp dụng mức thuế suất FTA 0%.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Dự kiến, đến năm 2030 tổng tiêu thụ ô tô vào khoảng 1-1,1 triệu chiếc. Với tốc độ này, trong 5 năm tới, mức tiêu thụ xe ô tô của nước ta phải đạt gấp đôi so với hiện tại.
Hiện, các doanh nghiệp trong nước chủ yếu sản xuất, lắp ráp các loại xe có dung tích xi lanh thấp, từ 2.000 cc trở xuống để phục vụ nhu cầu của người dân. Còn các dòng xe có dung tích xi lanh cao hơn chủ yếu nhập khẩu.
Việc điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) có thể tạo ra sự dịch chuyển thương mại đáng kể, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các mẫu xe cao cấp với mức giá hợp lý hơn. Tuy nhiên, tác động thực tế của chính sách này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thị hiếu, giá thành, dịch vụ hậu mãi, mức tiêu hao nhiên liệu cũng như thói quen mua sắm của khách hàng.
Trong bối cảnh thị trường ô tô trong nước chưa sản xuất các dòng xe dung tích xi-lanh lớn, việc giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội lớn cho phân khúc này. Theo đánh giá của giới chuyên gia, đây có thể là cú hích quan trọng, không chỉ mở rộng sự đa dạng của các dòng xe nhập khẩu mà còn mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn phù hợp hơn với nhu cầu và khả năng tài chính.
TH (Tuoitrethudo)