Chiếc xe hơi sẽ đưa đất nước tiến lên thịnh vượng

Thách thức lớn nhất đối với công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô là đến nay Chính phủ vẫn chưa ban hành những chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển.

Hình ảnh của đất nước

Cố Chủ tịch Chung Ju Yung, nhà sáng lập tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) đã từng chia sẻ, với ông chiếc xe hơi là biểu hiện về trình độ khoa học kỹ thuật của đất nước chế tạo ra nó. Nó cũng chính là hình ảnh của đất nước đó. Một đất nước có thể sản xuất chiếc xe hơi hoàn thiện, cũng có thể sản xuất được tất cả mọi thứ, kể cả máy bay, tàu ngầm...

“Tôi luôn nghĩ rằng, nếu một chiếc xe hơi được nội địa hóa 100%, có nghĩa là ngành công nghiệp của quốc gia sản xuất ra nó đã rất phát triển, sẽ đóng góp nhiều cho sự thịnh vượng chung”, ông Chung Ju Yung nói.

Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao. Như vậy đòi hỏi phải có một ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển lớn mạnh. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, hiện tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo mới chiếm khoảng 17% trong GDP, vẫn thấp khá xa so với tiêu chí của nước công nghiệp phát triển.

Mặc dù đang giữ vai trò dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo còn nhiều hạn chế như: gia công, lắp ráp lớn, chủ yếu dựa vào nguồn lực bên ngoài (khu vực FDI), còn doanh nghiệp Việt Nam vừa ít về số lượng vừa nhỏ về quy mô, chỉ tham gia vào các công đoạn có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, để thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” và vươn lên trở thành quốc gia thịnh vượng, có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam không có con đường nào khác là phải thúc đẩy công nghiệp hóa, lấy công nghiệp chế biến, chế tạo làm trọng tâm, trong đó tăng năng suất là yếu tố quyết định.

Cũng theo ông Cung, từ thực tế trên thế giới cho thấy, những quốc gia mắc “bẫy thu nhập trung bình” chủ yếu là không tạo ra được một đội ngũ các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước hùng hậu, đủ khả năng tự lực, tự cường, có thể làm chủ nền kinh tế và có năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Các tính toán cho thấy công nghiệp ô tô phát triển có thể đóng góp tới 30% trong tổng giá trị của công nghiệp chế biến chế tạo, góp phần tạo ra năng suất cao và tăng trưởng cao cho GDP. Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô là cơ hội thu hút nguồn vốn, kỹ thuật, công nghệ sản xuất tiên tiến; cũng như kinh nghiệm quản lý, kinh doanh hiện đại và cơ hội để đào tạo hàng trăm nghìn lao động có trình độ tay nghề cao, ý thức chấp hành kỷ luật lao động công nghiệp tốt. Vì vậy, vai trò của ngành công nghiệp ô tô rất quan trọng. Nếu bỏ qua nó thì các mục tiêu lớn của quốc gia sẽ khó đạt được.

Tiến lên thịnh vượng

Theo ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), muốn phát triển công nghiệp ô tô thì phải thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ. Ai cũng biết điều đó, bởi công nghiệp hỗ trợ là cốt lõi, linh hồn của ngành công nghiệp ô tô.

xuat-xuong-o-to-dien-vf8-tai-nha-may-o-to-vinfast-hai-phong.jpg

Xuất xưởng ô tô điện VF8 tại Nhà máy ô tô VinFast Hải Phòng.​

Công nghiệp hỗ trợ có vai trò rất quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô mà còn đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Sự phong phú, đa dạng của các loại chi tiết, linh kiện phụ tùng, sẽ thu hút hàng ngàn các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tham gia vào quá trình sản xuất, qua đó góp phần giải quyết việc làm, tạo cơ hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp nhận và làm chủ công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến... Công nghiệp hỗ trợ phát triển sẽ làm tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành các sản phẩm ô tô… Tóm lại, phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng trong dài hạn, đồng thời tạo sự phát triển bền vững.

Nhật Bản và Hàn Quốc đã từng ban hành những đạo luật liên quan tới công nghiệp hỗ trợ từ giữa thế kỷ 20. Bước đi cơ bản này đã giúp nền công nghiệp ô tô hai quốc gia kể trên phát triển vượt bậc, trở thành những “ông lớn” trên thế giới.

Theo ông Tuất, thách thức lớn nhất đối với công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô là Chính phủ vẫn chưa ban hành những chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển. Thị trường xe hơi tại Việt Nam đã hình thành được 30 năm, nhưng Bộ luật về công nghiệp hỗ trợ đến nay vẫn chưa có. Các ưu đãi hiện có dành cho công nghiệp hỗ trợ thì chung cho tất cả mọi dự án, không đủ hấp dẫn, không khuyến khích đầu tư vào công đoạn có kỹ thuật cao hoặc lĩnh vực đem lại lợi thế cho Việt Nam.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp
TỪ KHÓA: ô tô điện