Trong dự thảo Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của Bộ Công an có một đề xuất mới và rất đáng chú ý, đó là chuyển việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cho Bộ Công an phụ trách, thay vì Bộ GTVT như hiện nay.
Cụ thể, theo đề xuất thì Bộ Công an sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ việc quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ, bao gồm việc sát hạch và cấp, đổi, thu hồi GPLX; quản lý quá trình chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện sau khi được cấp GPLX; cũng như quy định về trừ điểm GPLX.
Bộ Công an cho rằng sát hạch GPLX còn lỏng lẻo
Đại diện Cục CSGT cho biết tình trạng vi phạm TTATGT đang diễn ra ngày càng phức tạp. Tính riêng trong năm 2019, hơn 70% các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe kinh doanh vận tải. Và trong các vụ TNGT, có rất nhiều vụ nguyên nhân xuất phát do công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.
Vị này đánh giá thực tế hiện nay cho thấy sau khi được cấp GPLX, người lái xe gần như không bị ai quản lý. Không cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, giám sát. Cùng với đó, sự phối hợp giữa các ngành, các đơn vị còn lỏng lẻo trong công tác cấp và cấp lại GPLX khiến hàng trăm ngàn GPLX bị tạm giữ, tước quyền sử dụng không có người đến nhận. Không ít trường hợp đang bị CSGT tạm giữ GPLX vẫn được cấp lại GPLX khác, có người còn sở hữu tới 2-3 GPLX. Thậm chí có tình trạng tài xế có có tiền sử tâm thần, đang bị truy nã, thậm chí đang thi hành án nhưng vẫn được cấp, đổi GPLX.
Theo đại diện Cục CSGT, cần phải làm chặt quy trình đào tạo, sát hạch GPLX; tách bạch giữa đào tạo và sát hạch cấp giấy phép do hai lực lượng chuyên biệt để chuyên môn hóa. “Từ những dữ liệu có được, ngành công an sẽ phân tích, tìm ra kỹ năng nào cần phải tập trung rèn luyện khi đào tạo, sát hạch. Thực tế, việc thi lý thuyết cũng như sa hình như hiện nay vẫn chỉ như nằm trên sách vở. Điều quan trọng nhất là kỹ năng xử lý khi tham giao thông” - vị này nói.
Trước băn khoăn về việc thay đổi cơ quan chịu trách nhiệm sát hạch, cấp GPLX sẽ làm phát sinh chi phí, nhân lực, đại diện Cục CSGT khẳng định trước đây ngành công an từng phụ trách và hiện nay vẫn đang tổ chức sát hạch GPLX cho lực lượng CAND nên đã có kinh nghiệm. Cơ sở vật chất là các sân sát hạch của trường công an, của Cục CSGT sẽ được tận dụng.
Cùng với đó, sát hạch viên sẽ là cán bộ công an, hiện ngành công an đã triển khai lực lượng tới bốn cấp, do vậy về cơ bản không làm tăng biên chế, chỉ cần bồi dưỡng, tập huấn mà thôi.
Sát hạch lái xe tại Trung tâm sát hạch lái xe Hóc Môn. Ảnh minh họa: L.THY
Vẫn còn nhiều băn khoăn
Luật sư (LS) Bùi Đình Ứng, Đoàn LS TP Hà Nội, cho biết trước đây việc sát hạch GPLX từng giao cho ngành công an phụ trách, sau đó chuyển về cho ngành giao thông vận tải, nay lại đề xuất quay lại với ngành công an. Điều này sẽ kéo theo nhiều vấn đề phát sinh, do đó phải có những cơ sở khoa học thực sự thuyết phục.
Bộ Công an cho rằng việc sát hạch, cấp GPLX do ngành giao thông vận tải quản lý hiện còn nhiều kẽ hở, lỏng lẻo. Vậy khi chuyển về cho ngành công an thì có đảm bảo sẽ không có những hạn chế tương tự? Theo LS Ứng, nếu có kẽ hở thì việc cần thiết nhất bây giờ là phải tính cách bịt kẽ hở đó. Bộ GTVT cần có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, đưa ra các biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như sát hạch GPLX, khắc phục những tồn tại. “Tôi cho rằng nếu nêu lý do vì còn những kẽ hở, tiêu cực mà phải thay đổi cơ quan phụ trách sát hạch GPLX thì thực sự chưa thuyết phục” - LS Ứng nêu quan điểm.
Trao đổi với PV, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ không bình luận về đề xuất của Bộ Công an. Vị này cho hay Bộ GTVT đang xây dựng dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), còn lĩnh vực sát hạch lái xe do đơn vị nào quản lý thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Quốc hội. Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện cả nước có 328 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và 121 trung tâm sát hạch lái xe... VIẾT LONG ghi |
Cũng theo LS này, hoạt động sát hạch, cấp GPLX là quản lý hành chính nhà nước, không nhất thiết phải chuyển sang cho lực lượng công an. Nếu quy định thêm lĩnh vực này có thể sẽ tăng thêm gánh nặng công việc, tăng biên chế của ngành. Chưa kể đến các phát sinh khác như đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí…
“Với công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, hệ thống dữ liệu liên thông từ cấp GPLX, đăng kiểm, xử phạt…, các cơ quan chỉ cần phối hợp tốt sẽ mang lại hiệu quả cao” - LS Ứng nhận định.
Đồng quan điểm, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng không nhất thiết phải chuyển hoạt động sát hạch, cấp GPLX cho ngành công an, vì có thể dẫn tới việc “vừa đánh trống vừa thổi kèn” và tạo ra nhiều xáo trộn.
Ông Liên đồng ý với nhận định việc đào tạo, sát hạch GPLX hiện còn nhiều vấn đề. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là làm sao nâng cao chất lượng bằng việc công khai, minh bạch, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, thay vì tranh luận bộ, ngành nào sẽ quản lý.
Tương tự, giám đốc một trung tâm đào tạo lái xe tại Hà Nội cũng cho hay vấn đề lớn nhất là làm sao để khắc phục những tồn tại trong hoạt động sát hạch, cấp GPLX. Nếu chuyển cho ngành công an mà có thể đảm bảo không còn tiêu cực, ông hoàn toàn ủng hộ. Tuy vậy, làm sao vừa giữ nguyên quy định như hiện hành mà vẫn có các giải pháp triệt để thì sẽ hạn chế được sự xáo trộn hơn.
Các nước cấp bằng lái ra sao? Mỹ: GPLX của Mỹ thông thường được sở quản lý xe cơ giới ở các tiểu bang cấp và quản lý. Tuy được cấp ở các bang nhưng bằng lái xe này sẽ được sử dụng trên toàn lãnh thổ nước Mỹ cũng như tại Canada. Nhật: Ủy ban An toàn công cộng các tỉnh là cơ quan chịu trách nhiệm cấp GPLX cho bất kỳ ai vượt qua kỳ sát hạch lái xe tổ chức định kỳ, trong khi Cục Cảnh giác quốc gia là cơ quan có nhiệm vụ chính quản lý cơ sở dữ liệu về GPLX. Hàn Quốc: Cục Đường bộ Hàn Quốc là cơ quan chính phụ trách quản lý và cấp GPLX cho cả công dân lẫn người nước ngoài. Quy trình thi và kiểm tra của Hàn Quốc được cho khá nhẹ nhàng khi học viên có thể thi lại trong vòng ba ngày nếu trượt. VĨ CƯỜNG |
Nguồn: https://plo.vn/do-thi/giao-thong/bo-cong-an-muon-quan-ly-sat-hach-cap-giay-phep-lai-xe-909217.ht...Nguồn: https://plo.vn/do-thi/giao-thong/bo-cong-an-muon-quan-ly-sat-hach-cap-giay-phep-lai-xe-909217.html