Nghị định 31 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115 năm 2013 quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2020. Theo đó, người vi phạm luật giao thông ở Việt Nam có thể được cho phép tự giữ, bảo quản phương tiện vi phạm của mình trong một số trường hợp nhất định.
Nhiều bãi giữ xe vi phạm đã quá tải.
Quy định mới này được rất nhiều người chú ý bởi nó có thể tạo ra bước ngoặt mới, gỡ nút thắt cho những khó khăn đối với việc tạm giữ, bảo quản phương tiện vi phạm từ phía người thi hành công vụ và người tham gia giao thông. Bởi trong thực tế nhiều bãi tạm giữ phương tiện vi phạm ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh hiện nay đều đã quá tải khiến cho công tác bảo quản khó khăn.
Điều 14 của Nghị định 31/2020/NĐ-CP quy định tổ chức, cá nhân vi phạm có thể được phép giữ, bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính nếu tổ chức, cá nhân đó có một trong những điều kiện như sau:
“a) Cá nhân vi phạm có nơi đăng ký thường trú hoặc có đăng ký tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân vi phạm đang công tác; tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng. Tổ chức, cá nhân vi phạm phải có nơi giữ, bảo quản phương tiện;
b) Tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện”.
Nhiều phương tiện bị tạm giữ trong thời gian dài đã xuống cấp.
Để được tự giữ, bảo quản phương tiện vi phạm hành chính thì tổ chức, cá nhân sẽ phải làm đơn gửi cơ quan có thẩm quyền đề nghị được giữ, bảo quản phương tiện. Kèm theo đơn là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân vi phạm đang công tác. Với tổ chức vi phạm phải có giấy tờ chứng minh về địa chỉ nơi đống trụ sở hoạt động của tổ chức đó.
Trong thời hạn không quá 02 ngày, đơn đề nghị sẽ được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản. Trường hợp phức tạp thì sẽ quyết định trong thời hạn không quá 03 ngày.
Khoản 7 Điều 14 của Nghị định 31/2020/NĐ-CP cũng quy định rõ một số trường hợp người vi phạm không được tự giữ, bảo quản phương tiện vi phạm.
Trường hợp người vi phạm không được tự giữ, bảo quản phương tiện theo Nghị định 31/2020/NĐ-CP: "7. Các trường hợp không giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản: a) Phương tiện giao thông của vụ vi phạm là vật chứng của vụ án hình sự; b) Phương tiện giao thông được sử dụng để đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc gây tai nạn giao thông; c) Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị làm giả, sửa chữa; d) Biển kiểm soát giả, phương tiện bị thay đổi trái phép số khung, số máy hoặc bị xóa số khung, số máy.” |
Nguồn: http://danviet.vn/thi-truong-xe/tu-1-5-2020-nguoi-vi-pham-giao-thong-co-the-tu-bao-quan-o-to-xe-...Nguồn: http://danviet.vn/thi-truong-xe/tu-1-5-2020-nguoi-vi-pham-giao-thong-co-the-tu-bao-quan-o-to-xe-may-1084076.html