Theo Bộ Công an, sau 5 tháng triển khai đấu giá trực tuyến biển số ô tô, đã có hơn 15.000 biển số được đấu giá thành công, thu về hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, hơn 14.000 biển số đã được người mua thanh toán với tổng giá trị gần 1.400 tỷ đồng. Việc đấu giá biển số ô tô nhận được rất nhiều sự quan tâm, và chú ý từ dư luận xã hội.
Bộ Công an cho biết, hiện việc đấu giá biển số xe mới chỉ thí điểm đối với biển số xe ô tô nền trắng, chữ và số màu đen, chưa áp dụng rộng rãi đối với các loại biển ô tô khác và biển số mô tô, xe gắn máy nên chưa đáp ứng được hết nguyện vọng của người dân có nhu cầu sở hữu biển số theo sở thích.
Theo điều 37 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất mở rộng đấu giá biển số cho ô tô, mô tô và xe gắn máy.
Theo đó, giá khởi điểm của biển số ô tô không thấp hơn 40 triệu đồng, còn biển số mô tô và xe gắn máy không thấp hơn 5 triệu đồng. Căn cứ điều kiện kinh tế xã hội trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định cụ thể giá khởi điểm của loại biển số xe đưa ra đấu giá.
Về điều kiện tham gia đấu giá, Bộ Công an nêu rõ tiền đặt trước không thấp hơn giá khởi điểm của loại biển số xe đấu giá; bước giá bằng 10% giá khởi điểm.
Trong trường hợp chỉ có 1 người tham gia đấu giá, người đó được coi là người trúng đấu giá. Người trúng đấu giá biển số xe có quyền chuyển nhượng, tặng, thừa kế xe kèm biển số trúng đấu giá.
Về nghĩa vụ của người trúng đấu giá, trong 30 ngày kể từ khi có thông báo người trúng đấu giá phải nộp đủ tiền và thực hiện thủ tục đăng ký xe để gắn biển số trong thời hạn 12 tháng.
Sau thời hạn quy định mà người trúng đấu giá không nộp đủ tiền hoặc không xác nhận biên bản đấu giá, sẽ không được hoàn tiền đặt cọc và bị cấm tham gia đấu giá biển số trong vòng 12 tháng.
TT (Tuoitrethudo)