Bí quyết chăm sóc xe máy vào mùa mưa để tránh hư hỏng

(PLO)- Vào mùa mưa, để chiếc xe có thể vận hành ổn định, chủ xe cần đảm bảo phụ tùng trên xe đạt yêu cầu tối thiểu, đặc biệt khi đi qua vùng ngập nước.

Mỗi mùa sẽ có đặc trưng riêng và tình trạng của xe còn phụ thuộc vào cách thức sử dụng, chăm sóc của chủ xe. Do đó, để xe hoạt động hiệu quả nhất, lâu dài, bền bỉ nhất, chủ xe nên đưa xe đi bảo dưỡng định kỳ để giúp các bộ phận được bảo dưỡng tốt, kịp thời. 

Sau khi di chuyển dưới trời mưa, xe máy nên được rửa sạch nước mua để không bị ăn mòn. Ảnh: TN

Đáng chú ý, việc xe di chuyển vào mùa mưa càng cần được chủ xe chăm sóc kỹ hơn và “lắng nghe” những dấu hiệu của xe. Vào mùa mưa, xe máy dễ gặp trục trặc và hư hỏng hơn, nhất là khi bị ngập nước do mưa lớn. Hoặc bị bùn bẩn bám vào xe, động cơ gây han gỉ và ăn mòn má phanh, nhông xích. Lâu dần sẽ khiến phanh không hoạt động hiệu quả, nhông xích bị đứt, chão gây nguy hiểm cho người điều khiển.

Việc đầu tiên, để chiếc xe có thể vận hành ổn định, chủ xe cần đảm bảo phụ tùng trên xe đạt yêu cầu tối thiểu, đặc biệt khi đi qua vùng ngập nước.

Cụ thể, chụp bu-gi cần đảm bảo đậy kín được đầu bu-gi. Tránh việc nước xâm nhập gây mất kết nối đánh lửa của bu-gi. Và chiếc bu-gi, bo-bin, IC của xe cũng đang hoạt động ổn định. 

Bên cạnh đó, động cơ phải hoạt động ổn định, không hỏng hóc gioăng máy, gioăng cổ pô,… để tránh việc nước có thể vào trong khoang động cơ. Cơ bản là chiếc xe của bạn phải đang hoạt động tốt. Lọc gió lấy khí nạp của xe được cách nước và sạch sẽ, không quá bụi bẩn gây ảnh hưởng việc lấy khí nạp.

Vào mùa mưa, chủ xe cần lưu ý đến lốp xe sao cho lốp không bị mòn, rách, áp suất lốp không quá cao để tránh tình trạng khi lưu thông trời nắng nóng, lốp bị giãn nở, căng gây ra nổ lốp. Và hãy chắc chắn nạp đủ các loại nhiên liệu cho chiếc xe để đảm bảo vận hành ổn định. Nếu không thể tự kiểm tra, chủ xe có thể đến các địa chỉ bão dưỡng để tham khảo nhé.

Bí quyết chăm sóc xe máy vào mùa mưa để tránh hư hỏng - 3

Vào mùa mục, xe máy nên được bảo dưỡng kỹ càng hơn. Ảnh: TN

Dưới đây là một số kinh nghiệm di chuyển xe máy vào vùng ngập mà các chủ xe có thể tham khảo:

Với xe số: Người điều khiển xe số qua những nơi bị ngập nên về số của xe ở số thấp là số 1 hoặc 2 để đi, chú ý giữ đều ga, giữ chặt tay lái và chạy từ từ qua khu vực bị ngập. Lưu ý, không rồ ga, phanh gấp vì sẽ khiến xe dễ tắt máy hơn.

Với xe ga: Điều khiển xe chậm và đều ga, không lên ga quá cao nhưng cũng không để ga quá thấp. Tuyệt đối không được giảm ga trong suốt quá trình, việc này sẽ gây chết máy ngay lập tức. Nếu gặp nơi nước ngập sâu qua ống pô xe thì không nên điều khiển xe qua những nơi đó.

Nếu xe bị ngập nặng, chết máy, chủ xe nên dắt xe tới nơi cao, rồi tháo bugi, lau thật khô. Sau đó, đạp cần khởi động để đẩy nước khỏi xe, khóa xăng rồi xả hết xăng khỏi chế hòa khí. Nếu không biết cách xử lý có thể nhờ người có kinh nghiệm hoặc gọi cứu hộ. 

Với xe máy điện, xe đạp điện: Do thiết kế của loại xe điện này sử dụng pin hoặc ắc quy nên khi đường bị ngập lụt, chủ xe không được đi xe qua vùng này, vì khi đó nước rất dễ vào ắc quy hoặc pin, mà một khi ắc quy hay pin ngập nước thì sẽ bị hỏng và chắc chắn bạn sẽ phải thay mới ngay. Hiện nay, có một số dòng xe máy điện được thiết kế có khả năng đi qua vùng ngập, tuy nhiên để đảm bảo an toàn các chủ xe cũng cần chú ý quan sát và dự đoán mực nước rồi mới đi qua. 

Nguồn: https://plo.vn/xe-lai/kinh-nghiem/bi-quyet-cham-soc-xe-may-vao-mua-mua-de-tranh-hu-hong-1002675....Nguồn: https://plo.vn/xe-lai/kinh-nghiem/bi-quyet-cham-soc-xe-may-vao-mua-mua-de-tranh-hu-hong-1002675.html