Bị CSGT xử phạt vi phạm giao thông có được nhờ người khác nộp phạt và nhận xe?

Bạn đọc Huỳnh Minh Khôi hỏi: Tôi có thể nhờ người khác nộp phạt và nhận lại xe vi phạm giao thông được hay không?

Trao đổi với PLO, luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết trước hết, về thủ tục nộp tiền phạt vi phạm hành chính, tại khoản 2 Điều 20 Nghị định 118/2021 quy định:

Trong trường hợp quyết định xử phạt chỉ áp dụng hình thức phạt tiền mà cá nhân bị xử phạt không cư trú, tổ chức bị xử phạt không đóng trụ sở tại nơi xảy ra hành vi vi phạm, thì theo đề nghị của cá nhân, tổ chức bị xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt quyết định nộp tiền phạt theo hình thức nộp phạt quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và gửi quyết định xử phạt cho cá nhân, tổ chức vi phạm qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt.

“Cá nhân, tổ chức bị xử phạt nộp phạt vào tài khoản Kho bạc nhà nước ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính”- luật sư Mạch phân tích.

Hình ảnh CSGT tại TP.HCM đang lập biên bản người vi phạm giao thông. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Hình ảnh CSGT tại TP.HCM đang lập biên bản người vi phạm giao thông. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Cũng theo luật sư, trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày tiền phạt được nộp trực tiếp vào tài khoản của Kho bạc nhà nước hoặc gián tiếp thông qua dịch bưu chính công ích, người tạm giữ các giấy tờ để bảo đảm cho việc xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính phải gửi trả lại cá nhân, tổ chức bị xử phạt các giấy tờ đã tạm giữ qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm đối với trường hợp nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch bưu chính công ích đối với trường hợp nộp gián tiếp. Chi phí gửi quyết định xử phạt và chi phí gửi trả lại giấy tờ do cá nhân, tổ chức bị xử phạt chi trả.

“Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm giao thông có thể trực tiếp nhận lại giấy tờ đã bị tạm giữ hoặc thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền”- luật sư chia sẻ.

Theo luật sư, việc trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải có quyết định trả lại bằng văn bản của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ.

Về việc nhận lại xe vi phạm giao thông, theo Điều 9 Thông tư 47/2014, khi trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ, người được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện tiến hành các thủ tục sau:

Kiểm tra quyết định trả lại; kiểm tra chứng minh nhân dân và giấy tờ khác có liên quan của người đến nhận.

“Người đến nhận lại tang vật, phương tiện phải là người vi phạm có tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc đại diện tổ chức vi phạm hành chính đã được ghi trong quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Nếu những người nêu trên ủy quyền cho người khác đến nhận lại tang vật, phương tiện thì phải lập văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật”- luật sư nói.

Theo luật sư, yêu cầu người đến nhận lại tang vật, phương tiện đối chiếu với biên bản tạm giữ để kiểm tra về tên, số lượng, đặc điểm, chủng loại, số hiệu, nhãn hiệu, ký hiệu, xuất xứ, năm sản xuất, số máy, số khung, dung tích (nếu có), tình trạng của tang vật, phương tiện bị tạm giữ dưới sự chứng kiến của cán bộ quản lý.

Cụ thể, về việc đại diện theo ủy quyền, Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cá nhân, pháp nhân có thể uỷ quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

“Như vậy, việc ủy quyền nộp phạt vi phạm về an toàn giao thông là một giao dịch dân sự thông thường. Người vi phạm hoàn toàn có thể ủy quyền cho người khác thực hiện việc nộp tiền phạt và nhận lại xe cho mình”- luật sư Mạch nói.

Cũng theo luật sư Mạch, khi thực hiện thủ tục nộp phạt vi phạm giao thông, người được ủy quyền cần chuẩn bị các giấy tờ sau đây: Giấy ủy quyền nộp phạt vi phạm giao thông (có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người ủy quyền cư trú hoặc phải được công chứng theo quy định của pháp luật); Biên bản xử phạt vi phạm giao thông; Bản sao y chứng thực CMND/CCCD của người vi phạm; Bản chính CMND/CCCD của người được ủy quyền.

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên1 33 34 35 3637