Anh Nguyễn Xuân Việt sinh năm 1981, đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Anh và các đồng đội đang điều hành AIhug.Art - tổ chức đầu tiên nghiên cứu và giảng dạy AI tại Việt Nam. Anh rất nổi tiếng trong cộng đồng khi đã tạo ra nhiều mẫu concept xe mang hơi hướng tương lai và hiện đại, góp phần đưa trí tuệ nhân tạo đến gần hơn với những ai đam mê xê dịch.
Từ thiết kế cốc tới ứng dụng AI vào ô tô
Chào anh Việt, một người đang được ví như idol tạo concept xe đến từ tương lai. Điều gì dẫn anh tới con đường này?
Vào giữa năm 2022, mình tham gia thiết kế các vật phẩm nhỏ như những cái ly hay cốc để bán trên mạng. Vì muốn tối ưu quy trình và để thiết kế nhanh hơn nên mình đã tìm tới trí tuệ nhân tạo. Sau lần thử nghiệm đó, mình cảm thấy rất hứng thú, bắt đầu nghiên cứu và rồi ứng dụng vào nhiều ngành nghề hơn.
Sau sự thành công của Chat GPT, mình tìm hiểu được một công cụ tạo hình ảnh bằng AI là Midjourney. Việc tạo hình ảnh rất dễ dàng, mình chỉ cần miêu tả mẫu vật mình muốn tạo ra, sau đó đưa vào Chat GPT để tối ưu ngôn ngữ. Bước cuối cùng, mình chỉ cần sao chép những từ khóa Chat GPT đã chuyển đổi rồi đưa vào trong Midjourney để xuất ra hình ảnh.
Vậy sao lại là concept ô tô mà không phải một hình mẫu khác?
Trước đó, có một công ty tại Singapore liên hệ với mình. Họ muốn mình dùng AI để thiết kế ra các robot tự hành có khả năng giao hàng tự động. Họ muốn dùng những bản thiết kế của mình để đi chào hàng những công ty vận chuyển khác như Uber hay Grab. Mỗi bản thiết kế robot tạo ra phải có những nét riêng của thương hiệu đó. Ví dụ như robot tự hành của Grab sẽ có màu xanh lá cây đặc trưng, logo,...
Sau đó, mình nhận thấy trí tuệ nhân tạo có thể ứng dụng vào thiết kế, tạo dáng và sản xuất công nghiệp, tiêu biểu xe máy, xe hơi, máy bay, du thuyền. Kể từ đó, chiếc xe hơi concept đầu tiên mình thiết kế bằng AI đã ra đời.
Anh được nhiều người biết đến hơn thông qua bộ ảnh concept VinFast. Vậy anh có thể chia sẻ mối lương duyên của mình với thương hiệu ô tô đến từ Việt Nam này không?
Bên phía VinFast muốn tìm hiểu xem ứng dụng của AI có thể làm được gì cho doanh nghiệp của họ như thế nào. Vậy nên bên VinFast đã liên hệ với mình, ban đầu với mục đích marketing. Sau khi hoàn tất công việc với phía VinFast, thì mình nhận thấy ngoài marketing hình ảnh, AI có thể làm ra nhiều thứ hay ho nữa, trong đó có những mẫu xe mới.
Khi đó, mình tự mày mò dựa trên những kích thước, thông số của các mẫu xe nhà VinFast. Trong quá trình nghiên cứu, mình nhận thấy 2 mẫu VF 6 và VF 8 rất phù hợp để đưa cho AI phát triển. Mình cũng giữ lại những yếu tố mang bản sắc Việt Nam như logo và biểu tượng đèn LED định vị hình cánh chim. Những chi tiết còn lại mình tự phát triển thêm. Mất 1 tuần với hơn 2.000 tấm hình, mình có được bộ ảnh hoàn chỉnh.
Mình có gửi bộ ảnh đó cho bên thiết kế của VinFast nhưng không nhận được hồi âm. Bù lại, bộ phận marketing và truyền thông tỏ ra rất hứng thú với thành quả của mình. Họ mong muốn sau này có thể dùng công cụ AI để tạo ra những chiếc xe VinFast ở trong những bối cảnh khác nhau như rừng, núi tuyết hay sa mạc.
AI chưa thể làm từ A đến Z
Để tạo ra chiếc xe, anh sẽ theo trường phái dùng AI để tạo ra bản phác thảo rồi dùng phần mềm thứ 3 để thiết kế nốt phần còn lại hay sử dụng AI làm từ A đến Z?
Để làm ra một chiếc xe, bước đầu tiên mình sẽ dùng AI để tìm ý tưởng. Mình sẽ chọn ra những từ khóa mình muốn đưa vào chiếc xe rồi để AI tạo những đường nét phác thảo. Sau đó, lựa chọn những mẫu phác thảo không bị lỗi và có nhiều đường nét ưng ý, mình sẽ dùng phần mềm mô phỏng 3D để tạo ra khung xe.
Cái dở của AI là nó sẽ không thể tạo ra chính xác tỉ lệ một chiếc xe. Những lỗi điển hình mình hay gặp khi tạo ra một chiếc xe concept là sai khoảng cách giữa 4 bánh, chiều cao khung gầm vô lý,...
Vì thế, mình phải dùng một phần mềm mô phỏng 3D để tạo ra chiếc xe với một tỉ lệ bố cục, thông số dài x rộng x cao, khung gầm chính xác. Cuối cùng, AI sẽ dựa vào những bản vẽ kỹ thuật đó để tạo ra những mẫu xe hoàn chỉnh cho mình. Đấy là tất cả các bước để mình tạo ra một chiếc xe concept hoàn chỉnh, chứ nếu hoàn toàn sử dụng AI để làm sẽ cho ra kết quả không phù hợp với mong muốn của mình.
Nghe qua vẫn hơi chung chung, anh có thể nói rõ các bước để làm ra một chiếc xe concept hay không? Và mất bao lâu để anh có thể tạo ra một chiếc hoàn chỉnh?
Như đã nói ở trên, cái mình tìm kiếm đầu tiên sẽ là ý tưởng. Ý tưởng sẽ đến từ bản thân hoặc yêu cầu của khách hàng. Sau khi tổng hợp ý kiến thì mình sẽ đưa những ý tưởng đó vào phần mềm Midjourney để tạo ra hàng loạt bức ảnh xe concept. Trung bình mỗi lần mình xuất ra khoảng 100 tấm ảnh và mình chỉ chọn một số ít trong những tấm hình đó để xây lên những bản thiết kế hoàn chỉnh.
Sau đó, mình sẽ dùng những bản phác thảo xe đúng với thông số kỹ thuật thực tế, kết hợp với những model ở trên để cho ra thành phẩm hoàn chỉnh. Nếu như đã thống nhất được ý tưởng, thì tất cả những công đoạn trên mình sẽ hoàn thành trong vòng 1 ngày.
Những lợi ích của việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong mảng thiết kế xe là gì, thưa anh?
Trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra hình ảnh dựa trên những thiết kế có sẵn trong lịch sử. Thứ các kỹ sư cần là sự kiên nhẫn để đào tạo cho AI có kinh nghiệm của những người đi trước như tính khí động học, kiểu dáng, màu sắc sao cho phù hợp. Khi kết hợp được những yếu tố đó, trí tuệ nhân tạo sẽ cho ra những mẫu xe mới nhưng vẫn tổng hòa được những mẫu mã, công nghệ, kỹ thuật đã xuất hiện trước đây.
Với trải nghiệm của bản thân, khi mình ấn tượng với thiết kế nào đó và đưa vào trong AI, thì nó sẽ cho ra những nét thiết kế mình muốn và thêm thắt nhiều những đường nét mới lấy từ những mẫu xe khác. Hoặc mình có thể lai kiểu dáng của những mẫu xe khác để tạo ra sản phẩm mới. Thậm chí, mình có thể tạo ra những mẫu xe lai kiểu dáng động vật hay côn trùng.
Nói về những lợi ích nhiều rồi, vậy những hạn chế của AI thì sao thưa anh?
Thật ra AI có khá nhiều hạn chế. Nó sẽ không ra được các chi tiết chính xác cho mình. Khi làm một chiếc xe bằng AI, xét về tổng thể thì rất ổn áp thế nhưng soi vào chi tiết thì lại có rất nhiều điểm vô lý. Trường hợp mình thấy nhiều nhất là cụm đèn pha, đèn pha phải đặt ở phía trước chứ nhiều khi AI cho đèn pha sang 2 bên hông luôn *cười*.
Cũng chính vì tính không chính xác đó nên rất nhiều lần mình muốn từ bỏ. Có những lần AI làm ra 1.000-2.000 bản vẽ nhưng đều không đạt tính thẩm mỹ đã đề ra và kết quả đều bị loại bỏ. Số bản vẽ thử nghiệm bị mình ném vào thùng rác nhiều vô số kể.
Chưa kể, nhiều người thắc mắc sao làm xe concept lại không có phác họa nội thất. Với ngoại thất ô tô, bạn chỉ cần 1 tấm hình là có thể hình dung hầu hết kiểu dáng, thiết kế chiếc xe. Nhưng sang tới nội thất, bạn phải cần ít nhất 3 tấm hình ở 3 góc nhìn khác nhau mới có thể hình dung được toàn bộ cấu hình, chi tiết, chưa kể xe còn có nhiều hàng ghế. AI chỉ có thể tạo ra hình ảnh chứ không thể copy giống hệt các chi tiết rồi thay đổi góc quan sát.
Tạo dấu ấn cá nhân trong cách làm công nghiệp của AI
Nhắc đến tính thẩm mỹ đã đề ra, vậy anh có quy tắc hay tiêu chuẩn gì khi tạo ra những mẫu xe concept không?
Nguyên tắc làm của mình là mỗi sản phẩm làm ra đều phải mang dấu ấn cá nhân. Tuy nhiên, cho đến hiện tại mình vẫn đang trong quá trình học và tìm hiểu nên mình cũng chưa tìm được phong cách cá nhân của mình. Mình muốn mỗi mẫu xe mình làm ra đều không nhàm chán và lặp lại những phiên bản cũ.
Nói về phong cách thiết kế xe concept thì mình đang theo trường phái "phức tạp". Phức tạp ở đây là chiếc xe sẽ thể hiện rõ cấu trúc, các chi tiết chất liệu, ánh sáng, màu sắc,... Cái mình muốn là khai thác triệt để sức mạnh của trí tuệ nhân tạo, muốn xem nó có thể làm được những gì.
Trước đây anh có nói muốn mang yếu tố thuần Việt vào trong 1 chiếc xe. Vậy hiện tại quá trình đó của anh diễn ra đến đâu rồi?
Thú thật mình vẫn đang trong thời gian nghiên cứu thôi. Cái khó nhất để đào tạo AI là dữ liệu mà những dữ liệu mang chất truyền thống của Việt Nam lại đang khá thiếu trong kho dữ liệu hình ảnh của trí tuệ nhân tạo. Hiện tại, mình đang nghiên cứu các chi tiết và hoa văn trên Trống đồng Đông Sơn và đưa chúng lên các đồ vật nhỏ như cốc hay ly. Dẫu vậy, chi tiết các hoa văn vẫn chưa thể chính xác 100%. Do vậy để nói việc làm ra một chiếc xe mang đậm bản sắc Việt Nam do mình tự thiết kế thì đó vẫn là một chặng đường dài.
Có người nói "AI sau này sẽ thay thế được con người", vậy anh nghĩ sao nếu áp dụng câu nói đó lên ngành thiết kế ô tô?
Thật ra chỉ có con người mới thay thế được con người thôi, người giỏi thay thế người dở đó. *cười* AI cũng có thể thay thế con người nhưng là những con người không có chuyên môn, không chịu tiếp thu và đổi mới. Theo góc nhìn của mình, trí tuệ nhân tạo không phải một ngành nghề mới mà chỉ là công cụ gợi ý và tìm ra các lựa chọn thôi. Còn việc có lựa chọn hay không vẫn phải phụ thuộc vào con người.
Việc dùng AI tạo ra một bản vẽ ô tô thì một người không có chuyên môn cũng có thể làm được. Nhưng để bản vẽ đó được áp dụng vào thực tiễn thì vẫn cần những người có chuyên môn để xử lý. Mình biết AI thì không có nghĩa mình có thể thay thế được các kỹ sư.
Đến thời điểm hiện tại, các ứng dụng về AI có thể giúp anh có được khoản thu nhập thể nào?
Cho đến hiện tại, tổ chức AIhug.Art đã đào tạo cho hơn 300 bạn, khoảng 20 công ty và các hội nhóm về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo. Ngoài công việc giảng dạy và đào tạo, mình còn dùng AI để tạo sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Thu nhập mỗi tháng rơi vào khoảng 50 triệu đồng.
Vâng, cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.