Nếu không làm thủ tục thu hồi giấy đăng ký, biển số ô tô, mức phạt là 2 - 4 triệu đồng đối với cá nhân và 4 - 8 triệu đồng đối với tổ chức. Với xe máy, mức phạt tương ứng là 800.000 - 2.000.000 đồng và 1,6-4 triệu đồng.
Theo Nghị định 168 có hiệu lực từ 2025, tài xế sử dụng ô tô không chính chủ sẽ bị phạt từ 4 - 6 triệu đồng với cá nhân và 8 - 12 triệu đồng với tổ chức. Đối với xe máy mức phạt sẽ là từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với cá nhân hoặc 1,6 - 2 triệu đồng đối với tổ chức.
Việc không sang tên có thể gây nhiều phiền toái cho cả chủ cũ lẫn mới của phương tiện nếu không may xe vướng vào tai nạn hoặc các vụ án dân sự, thậm chí hình sự. Chủ cũ của xe có thể bị cơ quan chức năng triệu tập để làm rõ các vấn đề liên quan đến phương tiện.
Gần đây, nhiều người rơi vào tình cảnh tương tự khi tự nhiên nhận được thông báo vi phạm giao thông. Chị H. (Hà Nội) chia sẻ, năm 2023, chị từng bán xe Kia Morning cho một đại lý xe cũ. Do không có kinh nghiệm nên chị H. đã cung cấp và ủy thác các giấy tờ cần thiết cho cửa hàng mua bán để đại diện chị giao dịch với chủ xe mới. Tuy nhiên, mới đây, chị sử dụng ứng dụng VNeTraffic để tra cứu phạt nguội thì tá hỏa khi nhận được tin chiếc Kia Morning cũ kia bị phạt do chạy quá tốc độ tại Bắc Ninh.
Sau khi tìm hiểu lại, chị mới biết xe của mình chưa được sang tên và cửa hàng bán xe cũng không còn thông tin liên lạc của người mua. Chị H. phải đăng tin tìm chủ nhân hiện tại của chiếc Kia Morning lên mạng xã hội với mong muốn có thể tìm gặp và thực hiện sang tên đổi chủ cho xe.
Không chỉ chị H. mà rất nhiều người cũng gặp tình trạng như chị và rất vất vả để liên hệ sang tên đổi chủ.
Hiện tại, người dân có thể thực hiện sang tên, thu hồi biển trực tiếp tại trụ sở công an khu vực, hoặc trực tuyến trên cổng dịch vụ công. Thời gian giải quyết việc sang tên và thu hồi biển là 2 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ. Sau 30 ngày, nếu không có khiếu nại, tố cáo, cơ quan chức năng sẽ giải quyết việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe.
TH (Tuoitrethudo)
Ảnh minh họa