Hiếm có nhà sản xuất ô tô nào hạn chế đơn đặt hàng cho hàng loạt mẫu xe. Toyota đã thiết lập giới hạn đơn đặt hàng cho 9 mẫu xe mang thương hiệu Lexus tại Nhật Bản. Số lượng giới hạn khác nhau phân bổ cho từng đại lý và một khi lượng xe đã được bán hết, đại lý đó sẽ không thể nhận thêm đơn đặt hàng nào nữa.
Đối với thời gian giao hàng ước tính dành cho xe Lexus, công ty cũng không đưa ra con số ước tính cho một mẫu xe cụ thể nào. Giới hạn đơn hàng có thể dẫn đến mất cơ hội bán hàng, buộc phải xây dựng lại mạng lưới cung ứng.
Việc chậm giao hàng do tình trạng thiếu chip và chất bán dẫn
Một đại lý Lexus cho biết nhiều mẫu xe sẽ phải mất ít nhất là 6 tháng, nhưng cũng có thể lâu hơn. Mặt khác, các mẫu xe mang thương hiệu Toyota còn lại như Corolla không bị ảnh hưởng nhiều và vẫn giao xe đúng hạn.
Việc chậm giao hàng do phụ tùng càng nghiêm trọng hơn đối với những mẫu xe hạng sang như Lexus do sử dụng nhiều chip và chất bán dẫn hơn. Các mẫu xe Lexus thường sử dụng tới hơn 1.000 chất bán dẫn, số lượng này nhiều hơn vài trăm so với một chiếc xe Toyota thông thường.
Hiện tại, công ty đang thiếu chip cho các chi tiết khác nhau, bao gồm chìa khóa điều khiển từ xa và chất bán dẫn cho thiết bị âm thanh. Cho đến thời điểm hiện tại, khách hàng đặt xe chỉ có thể biết được ngày giao hàng chính xác sau khi quy trình sản xuất cho những chiếc xe đã lên đơn được xác nhận.
Do tình trạng thiếu linh kiện và lệnh phong tỏa kéo dài ở Trung Quốc, Toyota đã nhiều lần phải hạ thấp kế hoạch sản xuất trong năm tài chính 2022. Tháng 11 năm ngoái, công ty đã hạ kế hoạch tính đến tháng 3/2023 xuống còn 500.000 xe. Trong khi đó, theo kế hoạch ban đầu họ dự kiến sản xuất 9,7 triệu xe vào tháng 5/2022.
Việc chậm giao xe Lexus đã khiến doanh số bán hàng của dòng xe hạng sang này tại thị trường nội địa trong 11 tháng của năm 2022 giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh số bán hàng ở nước ngoài tăng 2%.
Điều này do thị trường Nhật Bản là nơi mà các loại xe cao cấp sử dụng nhiều chất bán dẫn lại thường bán chạy hơn. Chính vì vậy, Toyota đang thực hiện các biện pháp như tăng sản xuất trong nước trong quý 1 năm 2023 cũng như chuyển các loại xe vốn dành cho xuất khẩu sang phục vụ thị trường nội địa.
Toyota chưa tiết lộ số lượng sản xuất xe Lexus nhưng cho biết hầu hết sẽ tập trung tại các nhà máy ở Nhật Bản, với lợi nhuận trên mỗi chiếc xe vào khoảng 1,5 triệu Yên (tương đương hơn 415 triệu đồng), gấp đôi so với các mẫu xe mang thương hiệu Toyota như Corolla. Công ty sẽ tìm cách mua chất bán dẫn theo các hợp đồng dài hạn với tập đoàn lớn để tránh các vấn đề về nguồn cung có thể xảy ra trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, các dòng xe hạng sang Lexus thời gian qua luôn rơi vào tình trạng khan hàng khiến đơn vị nhập khẩu phân phối chính hãng phải tăng giá do chi phí linh phụ kiện đầu vào tăng, đẩy chi phí sản xuất tăng.
Năm ngoái, phía Toyota Việt Nam - đơn vị nhập khẩu, phân phối chính hãng xe Lexus tại Việt Nam đã điều chỉnh giá bán nhiều mẫu xe như Lexus ES, RX, GX và LM. Cụ thể, giá Lexus ES tăng 40 triệu đồng. Ở phân khúc Crossover, giá bán mẫu Lexus RX300 tăng 50 triệu đồng, RX300 tăng 60 triệu đồng. Trong khi đó, giá bán hai dòng xe Lexus GX và LM cũng tăng thêm 70 triệu đồng so với thời điểm trước ngày 1/5/2022.
Xe Lexus LX600
Tuy nhiên, ngay cả những “đại gia” sẵn sàng chi cả chục tỉ đồng cũng khó có thể sở hữu một chiếc Lexus LX 600VIP ngay ở thời điểm này. Bởi theo nhân viên Lexus Việt Nam, khách đặt mua mẫu xe này phải chờ đến năm 2024, tức chờ thêm… 2 năm nữa mới nhận được xe.
Thực tế, dù tăng giá bán nhưng nhiều dòng xe Lexus như RX, ES… vẫn hút khách. Trong khi đó, Lexus LX 600 khan hàng nhưng bù lại các dòng SUV/Crossover như RX, GX lại duy trì được sức hút. Hiện tại, phần lớn xe Lexus từ phân khúc sedan đến xe gầm cao đều đã có các phiên bản hybrid, qua đó đưa Lexus trở thành hãng xe sang có nhiều xe hybrid nhất thị trường Việt Nam tính đến thời điểm này.
Tham khảo: Nikkei Asia