Trước đó, Toyota chỉ dự định dừng sản xuất một số mẫu xe đến ngày 28/6, nhưng cuộc điều tra nội bộ của hãng và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản vẫn chưa kết thúc. Sau đó đến đầu tháng 6, Toyota bị phát hiện đã làm giả các bài kiểm tra hiệu suất để đạt được chứng nhận của chính phủ cho xe do hãng sản xuất.
Từ đó, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch đã yêu cầu tạm ngừng bàn giao các mẫu xe bị ảnh hưởng, dẫn đến quyết định ngừng sản xuất các mẫu xe này. Không chỉ Toyota mà một số hãng ô tô khác như Honda Motor, Mazda, Yamaha Motor, và Suzuki Motor cũng bị phát hiện dính líu đến các hành vi gian lận trong quá trình xin cấp chứng nhận sản xuất hàng loạt.
Những cuộc kiểm tra tại Toyota đã phát hiện ra những sai phạm gồm thử nghiệm va chạm trực diện, kiểm tra khả năng bảo vệ người đi bộ, thử nghiệm va chạm phía sau, và kiểm tra công suất động cơ. Các vi phạm này không chỉ vi phạm các quy định trong nước mà còn cả các quy định của Liên hợp quốc, có thể dẫn đến việc cấm sản xuất hàng loạt các phương tiện liên quan ở châu Âu và các khu vực khác.
Toyota cũng đã tuyên bố rằng họ tiến hành một số cuộc thử nghiệm trong điều kiện nghiêm ngặt hơn so với yêu cầu quốc gia, nhưng chính phủ không đồng ý với nhận định này và cho rằng không thể xác định mức độ nghiêm ngặt trong mọi trường hợp. Việc điều chỉnh hệ thống chứng nhận xe có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh quốc tế của các nhà sản xuất Nhật Bản.
Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản có kế hoạch thực hiện các thử nghiệm riêng trên các mẫu xe liên quan đến vụ bê bối để đảm bảo an toàn và tuân thủ quy định. Việc phát hiện ra sự sai lệch có thể dẫn đến việc thu hồi xe để khắc phục.