Cụ thể, Toyota ghi nhận mức tăng trưởng 6,1% so với cùng kỳ năm 2024, phần lớn nhờ mức tăng ấn tượng 12% tại thị trường châu Á – khu vực vốn là "sân nhà" và cũng đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tiêu thụ xe toàn cầu. Dù vậy, Toyota vẫn chịu mức sụt giảm 5,1% tại thị trường châu Âu, phản ánh xu hướng chững lại của hãng tại các thị trường phát triển vốn đang dịch chuyển mạnh sang xe điện.
Volkswagen Group giữ vững vị trí thứ hai với 9,7% thị phần, tăng nhẹ 1,1% so với năm trước. Dù ghi nhận sự sụt giảm 2,8% tại thị trường châu Á, hãng xe Đức vẫn có dấu hiệu hồi phục tại châu Mỹ, nơi mức tăng trưởng đạt 4,2% cho thấy nỗ lực tái cấu trúc danh mục sản phẩm và đầu tư vào xe điện đang phát huy hiệu quả nhất định.
Ở vị trí thứ ba là Tập đoàn Hyundai-Kia chiếm 8,2% thị phần toàn cầu, tăng trưởng 3%. Đáng chú ý, hãng xe Hàn Quốc có mức tăng gần 10% tại thị trường châu Mỹ, giúp bù đắp cho mức sụt giảm 1,7% tại châu Âu. Kết quả này phản ánh chiến lược mở rộng sang các thị trường mới và danh mục sản phẩm đa dạng, từ SUV đô thị đến xe điện giá cạnh tranh.
Renault-Nissan Alliance lần đầu tụt xuống vị trí thứ tư do mất 1,9% thị phần, trong đó đáng kể nhất là mức sụt giảm mạnh 8,4% tại châu Á, thị trường từng là điểm tựa quan trọng trong chiến lược toàn cầu của liên minh Pháp – Nhật này.
Stellantis, tập đoàn xe đa quốc gia được hợp nhất từ Fiat Chrysler và Groupe PSA, đứng thứ năm với mức giảm 1,5% thị phần. Dù có mức tăng trưởng đáng kể 29,5% tại châu Á, hãng lại chứng kiến sự sụt giảm tới 8,9% tại châu Âu, cho thấy thách thức trong việc cân bằng giữa thị trường truyền thống và mở rộng ra khu vực mới.
Đứng ở vị trí thứ 6 là General Motors (GM) với mức tăng 3% toàn cầu. Tuy nhiên, kết quả này bị ảnh hưởng bởi mức giảm sâu 41,3% tại châu Âu, trong khi GM vẫn duy trì được sự ổn định tại thị trường chủ lực châu Mỹ, với mức tăng 6%.
Trong khi đó, Ford Group xếp thứ bảy với mức giảm nhẹ 0,2%. Ford chịu tác động tiêu cực từ thị trường châu Á, giảm 9,9%, dù có tín hiệu tích cực với mức tăng 1,4% tại châu Âu.
Honda Motor, một đại diện khác của Nhật Bản, tụt sâu về tổng thể với mức giảm 3,4%. Hãng ghi nhận sự sụt giảm nghiêm trọng tại châu Á (16,5%) và châu Âu (21,4%), bất chấp mức tăng 15,4% tại thị trường châu Mỹ. Điều này phản ánh thách thức trong chiến lược sản phẩm cũng như áp lực từ các đối thủ đến từ Trung Quốc.
Ngược lại, Geely Group – tập đoàn ô tô Trung Quốc sở hữu các thương hiệu như Geely, Lynk & Co, Zeekr và Volvo là tâm điểm tăng trưởng, tăng tới 34,8% và vươn lên hai hạng so với năm ngoái để đứng thứ chín. Geely đạt mức tăng 47,3% tại châu Á, tiếp tục chiếm lĩnh thị trường nội địa và mở rộng tại Đông Nam Á. Tại châu Mỹ, hãng cũng tăng 15,4%, cho thấy nỗ lực xuất khẩu xe điện sang khu vực này đã bước đầu phát huy hiệu quả. Dù giảm nhẹ 4,1% tại châu Âu, Geely vẫn là hãng tăng trưởng mạnh nhất trong Top 10.
Suzuki khép lại danh sách top 10 hãng xe bán chạy trên toàn cầu với mức giảm 1,4%, tụt một hạng so với cùng kỳ. Sự sụt giảm nghiêm trọng 20,3% tại châu Âu là nguyên nhân chính, cho thấy dòng sản phẩm thiên về xe cỡ nhỏ của hãng đang dần mất lợi thế cạnh tranh tại thị trường này.
Bức tranh thị phần ô tô toàn cầu đến tháng 5/2025 cho thấy sự phân hóa rõ rệt giữa các tập đoàn truyền thống và các hãng đang trỗi dậy, đặc biệt là các doanh nghiệp Trung Quốc như Geely. Toyota vẫn duy trì vị thế dẫn đầu vững chắc nhờ thị trường châu Á, trong khi nhiều hãng châu Âu và Nhật Bản đang đối mặt với thách thức thích nghi trong kỷ nguyên xe điện và sự thay đổi trong nhu cầu người tiêu dùng toàn cầu.
Đáng chú ý, dù thị trường châu Âu đang dần mất vị thế chiến lược trong tổng thể doanh số, châu Á và châu Mỹ đang nổi lên như hai điểm tựa tăng trưởng mới, nơi các tập đoàn ô tô đang định hình lại chiến lược để duy trì và mở rộng thị phần trong cuộc đua toàn cầu ngày càng cạnh tranh.
TH (Tuoitrethudo)