Ngày 29/11, KTM đã nộp đơn yêu cầu tái cấu trúc pháp lý với hình thức quản lý tự điều hành, nhằm tạo điều kiện đàm phán với các chủ nợ và tìm giải pháp bền vững trong vòng 90 ngày. Hãng hy vọng rằng quy trình này sẽ giúp KTM vượt qua giai đoạn khó khăn, thích nghi với những thay đổi của thị trường và duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành xe máy.
Trong khi KTM giữ thái độ thận trọng khi chia sẻ thông tin, công ty mẹ Pierer Mobility AG đã thẳng thắn thừa nhận rằng thương hiệu này cần một khoản tài trợ lên tới hàng trăm triệu USD để tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, khả năng huy động nguồn vốn lớn trong thời gian ngắn là điều không khả thi, dẫn đến quyết định thực hiện thủ tục bảo hộ phá sản.
Quá trình tái cấu trúc có thể gây ra những tác động tiêu cực trong ngắn hạn, như cắt giảm nhân sự, giảm sản lượng sản xuất và gia tăng thua lỗ. Pierer Mobility AG cho biết đây là những bước cần thiết để giải quyết lượng hàng tồn kho lớn, đồng thời ổn định hoạt động kinh doanh trong bối cảnh kinh tế châu Âu suy yếu, suy thoái kinh tế tại Đức và sức mua giảm tại thị trường Mỹ do lãi suất cao cùng chi phí sinh hoạt đắt đỏ.
CEO Stefan Pierer nhấn mạnh quyết tâm vực dậy KTM, khẳng định: “Chúng tôi đang tạm nghỉ trước khi quay lại đường đua. KTM là sự nghiệp cả đời tôi và tôi sẽ chiến đấu vì nó”. Hiện KTM đang quản lý các nhánh kinh doanh như sản xuất phụ tùng, mô-tô, nghiên cứu và phát triển (R&D), cùng mảng đua xe. Dù phải đối mặt với muôn vàn thách thức, thương hiệu này vẫn kỳ vọng có thể tìm ra lối thoát để giữ vững tên tuổi trên thị trường xe máy toàn cầu.