Hiện tại, Trung Quốc tiếp tục là nước dẫn đầu ngành trong quá trình chuyển đổi sang xe điện. Dữ liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM) cho thấy doanh số bán xe chở khách chạy bằng pin (BEV) đạt hơn 2 triệu chiếc trong 5 tháng đầu năm, tăng 51,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, CAAM báo cáo doanh số bán xe sử dụng động cơ đốt trong giảm 7% trong cùng kỳ. Nhiều nhà phân tích tin rằng xu hướng này sẽ tiếp tục. Một số nhà phân tích dự đoán rằng con số này có thể tăng đến 50% trong 2 năm tới.
Sự thay đổi mạnh mẽ đang diễn ra khi chính phủ Trung Quốc hỗ trợ quá trình chuyển đổi bằng phương thức giảm thuế cho người mua xe điện, trợ cấp và những chính sách khác, thúc đẩy sự tăng trưởng cho các nhà sản xuất xe điện trong nước.
Đồng thời, chính quyền Trung Quốc cũng đang khiến việc mua xe nhiên liệu hóa thạch trở nên khó khăn hơn. Quốc gia này đang áp dụng những tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn đối với các phương tiện, gây áp lực buộc các nhà sản xuất ô tô phải chuyển đổi sản phẩm và loại bỏ xe nhiên liệu hóa thạch (ICE).
Quy định mới sẽ cấm sản xuất, bán và nhập khẩu các phương tiện không tuân thủ các quy định pháp lý, gây áp lực buộc các nhà sản xuất ô tô trong và ngoài nước phải chuyển đổi sang xe năng lượng sạch.
Mitsubishi và các hãng xe Nhật Bản đang tụt lại phía sau
Theo Bloomberg dẫn một biên bản ghi nhớ của Mitsubishi cho hay, doanh số bán hàng của hãng suy giảm mạnh khi thị trường ô tô Trung Quốc chuyển hướng sang xe điện, buộc nhà sản xuất ô tô Nhật Bản phải tạm ngừng hoạt động tại ở nước này vô thời hạn.
Bản ghi nhớ nêu rõ: “Trong vài tháng qua, ban lãnh đạo và các cổ đông đã cố gắng hết sức có thể, nhưng do điều kiện thị trường và với sự miễn cưỡng chuyển đổi cùng sự tiếc nuối, chúng tôi phải nắm bắt cơ hội để chuyển sang các phương tiện năng lượng mới. Công ty sẽ hồi sinh sau khi trải qua thử thách”.
Mitsubishi cho rằng, quyết định chuyển đổi mạnh mẽ của Trung Quốc sang xe năng lượng sạch là lý do khiến doanh số bán hàng của họ giảm, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.
Sau khi đạt đỉnh vào năm 2019 với khoảng 134.500 xe, doanh số bán hàng của Mitsubishi sụt giảm mạnh, chỉ có 34.500 xe được bán ra trong năm ngoái. EV duy nhất của nó, chiếc SUV điện Airtrek, chỉ bán được 515 chiếc.
Đáng nói, Mitsubishi không phải là nhà sản xuất ô tô Nhật Bản duy nhất bị tụt lại vì sự chần chừ trong phát triển xe điện.
Doanh số bán hàng của các hãng xe nổi tiếng như Honda, Mazda và Nissan đã giảm trong 2 năm liên tiếp và vào năm 2022, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản, Toyota, lần đầu tiên chứng kiến doanh số bán hàng giảm sau một thập kỷ.
Giám đốc điều hành Mazda Masahiro Moro cũng đưa ra tuyên bố giống với Mitsubishi về Trung Quốc, trong tuần qua: “Sản lượng sản xuất sẽ thấp trong thời điểm hiện tại, áp lực lên lợi nhuận ngày càng tăng. Mặc dù Mazda không có kế hoạch thu hẹp quy mô, nhưng điều quan trọng là phải xoay chuyển tình thế và giới thiệu từng loại xe điện có sức cạnh tranh”.
Chứng kiến sự thành công của các nhà sản xuất xe điện như Tesla và BYD, hầu như tất cả các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đều phải lên kế hoạch nhanh chóng chuyển đổi sang xe điện.
Vào tháng 3, Mitsubishi đã tiết lộ kế hoạch điện khí hóa toàn bộ dòng sản phẩm của mình vào năm 2035, bao gồm 4 mẫu xe điện mới. Honda đã cải tổ các hoạt động kinh doanh của mình để ‘dọn đường” cho xe điện, trong khi Nissan đã tăng tốc chiến lược của mình vào tháng Hai.
Toyota hiện đang lên kế hoạch cho nền tảng ô tô điện chuyên dụng của riêng mình và pin thế hệ tiếp theo dự kiến sẽ cải thiện phạm vi và hiệu quả.
Để giúp tăng sản lượng pin trong nước, chính phủ Nhật Bản đã đầu tư gần 120 tỷ yên (847 triệu USD) để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy phát triển pin của Toyota.
(Tổng hợp)