Mới đây, Malaysia đã chính thức cho phép các mẫu xe mang các nhãn hiệu Toyota, Daihatsu và Perodua nằm trong danh sách gian lận kiểm định an toàn của Daihatsu được mở bán trở lại. Perodua là hãng xe nội địa của Malaysia, nhưng không sản xuất xe độc lập mà dùng khung gầm và linh kiện do Daihatsu cung cấp nên cũng chịu ảnh hưởng vì bê bối gian lận an toàn vừa qua.
Trước đó, Indonesia cũng đã bật đèn xanh cho các mẫu xe dính bê bối kể trên được tiếp tục sản xuất và phân phối tại quốc gia này, chỉ vài ngày sau vụ việc chấn động giới ô tô bị phanh phui. Daihatsu là thương hiệu bán chạy số hai tại thị trường Indonesia, chỉ sau công ty mẹ là Toyota. Các mẫu xe chủ lực tại thị trường này như: Avanza, Rush, Agya hay Calya đều thuộc Toyota và Daihatsu. Chính vì thế, chính quyền Indonesia mong muốn nhanh chóng giải quyết sự việc để giảm thiểu tổn thất cho thị trường xe trong nước.
Trong khi đó, các quốc gia khác bao gồm Việt Nam vẫn đang chờ kết quả kiểm tra an toàn trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về những mẫu xe đang phải tạm ngừng phân phối. Mẫu xe đang bị ngừng bán tại thị trường nước ta là Toyota Avanza phiên bản MT. Trong khi đó, Toyota Việt Nam cho biết Avanza phiên bản số tự động hay nhiều mẫu xe Toyota khác do Daihatsu phát triển như Wigo, Veloz hay Yaris Cross đều không liên quan đến bê bối an toàn kể trên, nên vẫn tiếp tục được phân phối bình thường.
Tại quê nhà Nhật Bản, Daihatsu đã ngừng toàn bộ quá trình sản xuất vì bê bối gian lận an toàn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tình hình của công ty bởi thị trường trong nước hiện chiếm khoảng 60% doanh số bán xe. Theo Nikkei Asia, Daihatsu sẽ lỗ 100 tỉ yen (17,2 nghìn tỉ đồng) vì việc đình trệ kế hoạch sản xuất cũng như đền bù thiệt hại cho các nhà cung ứng.
Không chỉ vậy, Chính phủ Nhật Bản cũng đã vào cuộc điều tra Daihatsu để làm rõ những sai phạm của hãng này đã kéo dài trong hàng chục năm qua. Việc thu hồi giấy phép sản xuất cũng là một hình phạt có thể xảy ra. Điều này sẽ khiến Daihatsu gặp rất nhiều khó khăn và cả hãng mẹ Toyota cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Daihatsu đã báo cáo tổng lợi nhuận hoạt động là 141,8 tỷ yên trong năm 2022 (hơn 24 nghìn tỷ VNĐ). Nếu tác động của vụ bê bối đẩy tổng lợi nhuận về số âm, đây sẽ là lần đầu tiên sau 30 năm hãng này ghi nhận mức lỗ ròng trong một năm tài chính.
Các vụ scandal tương tự trong những năm gần đây đã gây tổn thất nặng nề cho các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản khác. Hino Motors đã báo cáo lỗ ròng 117,6 tỷ yên (tương đương hơn 20 nghìn tỷ VNĐ) trong năm tài chính 2022 sau khi được phát hiện đã làm giả dữ liệu về khí thải và hiệu suất nhiên liệu. Mitsubishi Motors đã ghi nhận lỗ ròng 198,5 tỷ yên (hơn 34 nghìn tỷ VNĐ) trong năm tài chính 2017 sau bê bối giả mạo dữ liệu về tiết kiệm nhiên liệu.
Thái Sơn (Tuoitrethudo)