Mỗi người sẽ có một quan điểm về vẻ đẹp khác nhau, người này có thể thấy không bắt mắt nhưng người khác nhìn lại thấy sự hấp dẫn và ngược lại. Đây là điều không tránh khỏi trong lĩnh vực thiết kế nói chung và thế giới xe 4 bánh nói riêng, khi không phải mẫu xe nào cũng có thiết kế “ưng mắt” với tất cả mọi người. Dưới đây là một số mẫu xe ô tô có “ngoại hình” gây nhiều tranh cãi nhất năm 2023.
Kể từ lần xuất hiện đầu tiên dưới dạng xe concept, Tesla Cybertruck đã gây nhiều tranh cãi trong làng xe bởi thiết kế "không giống xe thông thường". Theo đó, Cybertruck có kiểu dáng góc cạnh, cứng cáp với “tấm thân” được làm hoàn toàn từ thép không gỉ siêu cứng - thứ không cần sơn, chống móp méo. Tuy nhiên, chính thiết kế to lớn và vuông vức của mẫu xe này lại làm dấy lên những lo ngại về vấn đề an toàn cho người đi bộ trong trường hợp xảy ra va chạm.
Bởi thông thường, vùng hấp thụ xung lực trên xe ô tô là một kết cấu khung thép được lắp đặt ở đầu và đuôi xe. Chúng có thiết kế "mềm" hơn các vùng khác để dễ bị bóp méo, uốn cong hay "co rúm" và "chuyển hướng" lực tác động tránh xa khoang cabin hành khách khi xảy ra va chạm.
Tuy nhiên, với Tesla Cybertruck, không ai có thể nói trước các vùng hấp thụ xung lực có được phát triển đúng cách hay không khi thân xe được làm từ vật liệu quá chắc chắn. Khi gặp va chạm, rất có thể thân xe không hoặc ít biến dạng khiến lực tác động tiếp tục truyền thẳng vào cabin và tới hành khách bên trong.
Thiết kế quá đặc biệt cũng là nguyên nhân khiến mẫu xe này liên tục trễ hẹn trình làng, do có nhiều vấn đề khi sản xuất hàng loạt.
Khi BMW lần đầu giới thiệu XM, mẫu xe này ngay lập tức gây chú ý với thiết kế hai "lỗ mũi quả thận" to quá khổ kèm theo cặp "mắt híp", trong khi thân xe có phần tròn trịa. Ngoại hình lạ mắt này ngay lập tức đã mở ra nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng những người yêu xe.
Trang tin Carscoops thậm chí còn từng đánh giá "từ mọi góc độ, XM trông thật kỳ quặc" và "thật khó để tìm được một góc nhìn thực sự đẹp mắt".
Chưa dừng lại ở đó, BMW XM còn sở hữu một vài yếu tố gây tranh cãi khác chẳng hạn như trọng lượng quá nặng.
Do đó, dù là mẫu xe có sức mạnh hàng đầu của BMW (644 mã lực bản thường và 748 mã lực bản Red), nhưng XM phải mất 4,1 giây để có thể tăng tốc 0-100km/h. Thông số này thua những mẫu nhãn "M" khác của hãng có giá rẻ hơn nhiều.
Dưới quan điểm của lãnh đạo thương hiệu BMW, "gây tranh cãi" tương đương "thiết kế hiện đại", và trở thành tâm điểm của các cuộc bàn tán, từ đó thúc đẩy doanh số. "Tôi muốn gây tranh cãi,” chủ tịch BMW - Oliver Zipse tuyên bố.
Ông lấy ví dụ chiếc BMW 7-Series E65 do Chris Bangle thiết kế không nhận được đón nhận nồng nhiệt, nhưng lại bán chạy hơn người tiền nhiệm rất phong cách 7-Series E38.
Vào thời điểm mới ra mắt, thiết kế của Hyundai Santa Fe 2024 cũng đã gây nhiều tranh cãi vì “ngoại hình” khác biệt hoàn toàn so với các thế hệ trước.
Theo đó, thiết kế của Santa Fe mới có ngoại hình vuông vức, hầm hố. Các đường nét trên thân xe thẳng, nhiều nếp gấp sắc nét và có nét tương đồng với SUV hạng sang Land Rover Defender. Một số góc nhìn mang đến cảm giác vuông vức mạnh mẽ, nhưng một số góc lại cục mịch.
Khu vực đuôi xe bị đánh giá khá nhàm chán khi thiếu điểm nhấn. Cửa cốp được làm bằng phẳng, tem chữ nổi "Santa Fe" cùng đèn hậu được đặt thấp ở hai bên bị đánh giá là thiếu cân đối.
SangYup Lee - giám đốc thiết kế toàn cầu của Hyundai cho biết đèn hậu đặt thấp để đảm bảo chiều rộng của cửa sau không bị ảnh hưởng như thiết kế truyền thống.
Theo Hyundai, phong cách thiết kế Hyundai Santa Fe 2024 được áp dụng nhằm tối ưu không gian nội thất và khoang hành lý. Các nhà thiết kế của Hyundai cũng cho biết đây là nỗ lực để "làm cho thiết kế hình hộp tỏa sáng trở lại".
Toyota Crown Crossover 2023 sở hữu thiết kế là sự kết hợp giữa sedan và SUV. Đây là một kiểu thiết kế thân xe khá hiếm gặp. Chỉ có vài trường hợp như AMC Eagle 4×4 hay gần đây có Polestar 2 chạy điện. Đặc điểm chung giữa những chiếc xe này là bánh to, khung gầm cao như SUV, nhưng thân xe sedan, và không có cửa sập.
Toyota Crown Crossover sở hữu mái dốc về phía sau, đường vai chảy và cánh gió hậu kín đáo. Ngoài ra, cốp xe cũng là một điểm gây tranh cãi. Cốp ngăn với cabin bằng vách nửa vời. Điều này khiến bộ phận này nửa như cốp rời của sedan nửa như cốp liền của crossover.
Trước nhiều tranh cãi về thiết kế của Crown Crossover, Toyota cho biết hãng muốn giới thiệu một chiếc crossover có hiệu suất của sedan. Với Crown thế hệ mới, đối tượng khách hàng mà Toyota hướng tới là những người trẻ tuổi.
Trong khi thiết kế bên ngoài gây ra sự tranh cãi, nội thất của Toyota Crown Crossover 2023 lại nhận được nhiều lời khen nhờ được trang bị những tính năng hiện đại có lẽ sẽ làm hài lòng cả những người khó tính nhất.
Sau khi Subaru Forester thế hệ mới lộ diện, mẫu xe này đã nhận được rất nhiều tranh cãi về thiết kế. Phần lớn trong đó tỏ ra thất vọng với thiết kế mới trông "bình thường hóa". Thậm chí, có ý kiến cho rằng Subaru Forester 2025 "mất chất".
Theo trang Carscoops, “giờ đây Subaru Forester thế hệ mới nhất đã trở thành một chiếc SUV hoàn chỉnh, nhưng lại gặp vấn đề lớn về thiết kế".
Ở thế hệ mới nhất, Subaru Forester loại bỏ thiết kế với các đường cong rõ ràng và mũi thấp. Thay vào đó, xe mới đi theo phong cách khối hộp nam tính và hiện đại hơn. Tuy nhiên chính điều này đã khiến nhiều người tiêu dùng thất vọng, bởi thiết kế mới khiến họ có cảm giác đây là một chiếc xe Ford chứ không phải Subaru.
Phần hông xe gợi liên tưởng nhẹ tới Toyota RAV4 với gờ nhỏ tại cột D cùng vòm bánh vuông. Trong khi đó, đầu xe lại có nét tương đồng rất lớn với Ford Explorer với lưới tản nhiệt mới, kết hợp cặp đèn pha dạng đôi cánh đặt ngay cạnh. Đây là giao diện không thể nhầm lẫn của Ford Explorer, rõ nhất là trên bản đời 5 bán trong giai đoạn 2010-2019.
Bill Stokes - giám đốc kế hoạch dòng xe (trong đó có Forester 2025), cho biết sự thay đổi nhằm thu hút nhiều người mua hơn. Ông cho biết nhiều người không mua Forester các bản trước đó do thiết kế. Họ muốn một chiếc xe tinh tế hơn.
TT (Tuoitrethudo)