Xe điện đã, đang và vẫn sẽ là xu hướng của ngành công nghiệp ô tô trong khoảng thời gian tới. Từ các hãng xe bình dân cho tới những hãng xe hạng sang, hay kể cả những ông lớn trong ngành công nghệ thế giới cũng đang "đặt cược" vào cuộc đua này.
Tuy nhiên, tiến độ phát triển của xe điện sẽ gặp một thử thách không nhỏ do ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Nga - Ukarine.
Theo tờ Bloomberg, những lo ngại về nguồn cung do chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine gây ra đã khiến giá niken tăng cao đến mức chưa từng có tiền lệ. Vào sáng ngày 8/3/2022, giá niken đã tăng 250% lên 100.000 USD/tấn khiến sàn giao dịch kim loại London (Anh) phải đình chỉ giao dịch niken. Đây vốn là kim loại rất quan trọng trong việc chế tạo pin của ô tô điện.
Theo dự đoán của các chuyên gia phân tích, giá niken sẽ giảm xuống so với mức cao không tưởng hiện tại. Tuy nhiên, tin buồn là giá niken có thể sẽ vẫn giữ ở mức cao khiến các hãng ôtô phải đội thêm chi phí.
Thông thường, một cụm pin 100 kWh của ôtô điện cần khoảng 66 kg niken. Trong năm ngoái, giá niken trung bình rơi vào khoảng 18.500 USD/tấn. Điều này đồng nghĩa với việc số niken trong một cụm pin 100 kWh sẽ trị giá khoảng 1.200 USD.
Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, các nhà sản xuất sẽ phải chi khoảng 3.100 USD cho niken để sản xuất một cụm pin 100 kWh, cao gấp đôi so với mức trung bình của năm ngoái. Điều này có thể khiến giá của mỗi chiếc ô tô điện tăng hàng trăm USD. Tesla là một ví dụ điển hình.
Ngay khi giá niken tăng vọt, hãng Tesla đã lập tức điều chỉnh giá của 2 mẫu xe Model 3 Long Range và Model Y Long Range thêm 1.000 USD. Trong khi đó, các phiên bản có phạm vi di chuyển thấp hơn của 2 mẫu xe này vẫn giữ nguyên giá bán.
Như vậy, hiện giá xe Tesla Model 3 Long Range tại Mỹ khởi điểm từ 51.990 USD và con số tương ứng của Model Y Long Range là 59.990 USD.
Chuyên gia cho rằng các hãng xe có thể tránh được tình trạng giá niken tăng cao trong một thời gian nhờ hợp đồng cung cấp dài hạn. Tuy nhiên, nếu giá niken không có dấu hiệu "hạ nhiệt" thì các hãng ôtô sẽ phải trả thêm tiền.