Indonesia: Sản xuất “bẩn” tạo nên pin cho xe sạch

Phát triển xe điện là con đường đúng đắn để giảm thiểu ô nhiễm nhưng chính quá trình sản xuất phương tiện này lại tác động tiêu cực đến môi trường và sinh kế của người dân.
Indonesia: Sản xuất “bẩn” tạo nên pin cho xe sạch - Ảnh 1.

Các ống xả khói tại Khu công nghiệp Morowali - khu phức hợp chế biến niken ở Indonesia - đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang xe điện. (Ảnh: Dimas Ardian)

Nội dung chính:

  • Indonesia có lợi thế trong việc sản xuất pin xe điện nhờ sở hữu trữ lượng niken, thành phần quan trọng trong pin xe điện, lớn nhất thế giới.
  • Quá trình khai thác và sản xuất pin xe điện tại Indonesia vấp phải nhiều tranh cãi về yếu tố bảo vệ môi trường.
  • Không thể phủ nhận vai trò thiết yếu của xe điện trong cuộc cách mạng năng lượng sạch, nhưng quá trình sản xuất phương tiện này vẫn để lại nhiều hậu quả xấu cho môi trường.

Trước năm 2015, người dân tỉnh Trung Sulawesi (Indonesia) từng dễ dàng bắt được cá thu, cá ngừ, cá thịt trắng, thậm chí cả tôm hùm và mực chỉ bằng cách giăng lưới sau nhà hoặc đi thuyền quanh khu phố.

Chia sẻ với Rest of World , một cư dân ở Kurisa (thuộc Trung Sulawesi) nói khi đang chỉ vào vùng nước bên dưới một lối đi bằng gỗ: “Trước đây, chúng tôi có thể nhìn thấy một cây kim ở đáy. Bây giờ, tất cả đều là bùn.”

Indonesia: Sản xuất “bẩn” tạo nên pin cho xe sạch - Ảnh 2.

Người dân phàn nàn rằng các hoạt động của IMIP, bắt đầu từ năm 2015, khiến nguồn nước bị ô nhiễm. (Ảnh: Rest of World)

Kurisa sắp chết” - một phụ nữ nói. Nguồn nước, bầu không khí ô nhiễm nơi đây, trớ trêu thay, lại đang chịu ảnh hưởng từ quá trình cung cấp năng lượng sạch cho môi trường.

Cách Kurisa vài trăm mét là một nhà máy than cung cấp năng lượng cho Khu công nghiệp Morowali Indonesia (IMIP) gần đó. IMIP là khu liên hợp công nghiệp khổng lồ, phần lớn liên quan đến niken, được một liên doanh Trung Quốc - Indonesia quản lý.

Indonesia: Sản xuất “bẩn” tạo nên pin cho xe sạch - Ảnh 3.

Các nhà máy chế biến niken tại IMIP thải ra khí SO2, N2O và tro than làm ô nhiễm không khí của các làng xung quanh. (Ảnh: Dimas Ardian)

Nhiều nhà máy trong khu công nghiệp được các tập đoàn Trung Quốc dành riêng để sản xuất niken, từ đó cung cấp pin cho một số hãng xe điện lớn như Tesla, Volkswagen và BMW.

Sản xuất xe xanh nhưng không xanh

Cuộc chạy đua cách mạng xe điện của Indonesia diễn ra giữa lúc quy định về môi trường còn yếu kém. Đây cũng là một trong những yếu tố cho phép nước này thu hút nhiều công ty đầu tư và đẩy mạnh sản xuất niken.

Nhưng thực tế, nhiều hãng xe điện của Mỹ vẫn chưa chọn Indonesia để xây dựng nhà máy sản xuất pin vì lo ngại về vấn đề môi trường trong sản xuất niken nói riêng và pin xe điện nói chung, bất chấp việc nước này sở hữu trữ lượng niken lớn nhất thế giới.

"Tại sao các công ty Mỹ ... không đầu tư vào Indonesia? Vì một vấn đề duy nhất - môi trường" Meidy Katrin Lengkey - Tổng thư ký của Hiệp hội khai thác niken Indonesia chia sẻ tại Hội nghị về Niken tại Jakarta hồi tháng 8/2022. Bà cho biết các vấn đề lao động và tác động đối với người dân địa phương cũng là vấn đề được quan tâm.

Nikkei Asia từng nhận định: “Hình ảnh năng lượng sạch của Tesla trái ngược với thực trạng ô uế của quá trình luyện niken [tại Indonesia]”.

Tuy nhiên, Chính phủ Indonesia đã đưa ra đề nghị để Tesla tiếp cận nguồn điện năng tạo ra từ địa nhiệt tái tạo (lên đến 400 MW). Điều này tác động tích cực đến chứng chỉ xanh dành cho chuỗi cung ứng của Tesla, một trong những tiêu chí về bảo vệ môi trường để đánh giá công ty đại chúng.

Mới đây, thông tin từ Bloomberg cho biết Indonesia đang hoàn tất các thỏa thuận xây dựng nhà máy sản xuất xe điện với BYD và Tesla sau nhiều nỗ lực thu hút đầu tư của Chính phủ nước này.

Trong khi Indonesia tham vọng trở thành nhân tố quan trọng trong ngành xe điện thì những người dân ở Trung Sulawesi vẫn phải đối mặt với nguy cơ môi trường bị hủy hoại, đe dọa đến đất đai và sinh kế do quá trình sản xuất niken cho pin xe điện.

Indonesia: Sản xuất “bẩn” tạo nên pin cho xe sạch - Ảnh 4.

IMIP có kế hoạch mở rộng diện tích để bao phủ 4.000 ha trên đảo Sulawesi.

Người đứng đầu chiến dịch JATAM - ông Melky Nahar khẳng định việc khai thác niken đã gây ra các vấn đề về môi trường như nước và không khí bị ô nhiễm.

*JATAM là một tổ chức phi chính phủ tập trung vào các vấn đề liên quan đến nhân quyền, giới tính, môi trường, người dân và công bằng xã hội liên quan đến ngành khai thác mỏ, dầu khí.

Sử dụng xe điện vì môi trường hay đánh đổi môi trường để sản xuất xe điện

MIT Climate ước tính việc sản xuất pin cho một chiếc Tesla Model 3 thải ra 2,4 - 16 tấn carbon, tùy vào cách sản xuất. Trong khi một nghiên cứu khác ước tính lượng khí thải CO2 toàn cầu có thể giảm 1,5 tỷ tấn/năm nếu một nửa số ô tô trên thế giới là điện.

Không thể phủ nhận tác động tích cực của xe điện đối với môi trường nhưng cuộc cách mạng xe điện cũng đi kèm cái giá đắt đỏ. Bên cạnh nỗ lực khai thác tài nguyên là vấn đề môi trường và xã hội xuất phát từ chính quá trình này.

Những gì đang xảy ra ở Indonesia cũng lặp lại tương tự ở các quốc gia có nhiều nguyên liệu sản xuất pin. Người dân Chile, Argentina, Congo và nhiều nơi khác đang phàn nàn về sự tàn phá môi trường, điều kiện làm việc nguy hiểm hoặc bị bóc lột.

Indonesia: Sản xuất “bẩn” tạo nên pin cho xe sạch - Ảnh 5.

Nhiễm trùng đường hô hấp là mối quan tâm đặc biệt của người dân gần các khu công nghiệp. (Ảnh: Rest Of World)

Bhima Yudhistira, giám đốc tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Pháp lý tại Indonesia, cho biết việc phát triển xe điện để đạt được cam kết Indonesia đặt ra tại COP26 "không phải là không thể". Nhưng ông nhấn mạnh: “Chính phủ phải nhận ra rằng lĩnh vực khai thác niken đã tác động đến môi trường, không được nhắm mắt làm ngơ trước điều này chỉ vì vật liệu này đang trở thành nguyên liệu chính cho xe điện. Chính phủ cần phải kiên quyết để đảm bảo quá trình sản xuất niken có thể xanh hơn.”