Hãng BYD, nhà sản xuất xe điện lớn của Trung Quốc, đang trở thành tâm điểm chú ý sau khi công ty nghiên cứu GMT Research có trụ sở tại Hong Kong cảnh báo về khả năng che giấu nợ của BYD thông qua hình thức tài chính chuỗi cung ứng phức tạp. Báo cáo mới nhất của GMT đặt ra những lo ngại về tính minh bạch và ổn định tài chính của BYD khi họ dẫn đầu thị trường xe điện đầy cạnh tranh của Trung Quốc.
Thông thường, khi nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng bán hàng cho người mua – ví dụ hãng BYD – họ sẽ phải giao hàng và chờ 30 ngày để nhận được khoản thanh toán. Nhưng nếu nhà cung cấp cần có tiền mặt ngay, họ có thể yêu cầu hình thức tài chính chuỗi cung ứng (supply chain finance - SCF) từ một tổ chức tài chính có liên kết với BYD. Nếu được chấp thuận, nhà cung cấp sẽ trả một khoản phí và được tổ chức tài chính này thanh toán ngay thay vì phải chờ 30 ngày. Trong khi đó, người mua – như BYD – sẽ được trả nợ trong vòng 60 ngày, thay vì 30 ngày như ban đầu, giúp họ có thêm thời gian trả nợ.
Hãng GMT – công ty từng cảnh báo về Tập đoàn Evergrande trước đây – cho biết, trong khi hình thức này rất phổ biến ở các công ty tăng trưởng nhanh nhưng BYD có vẻ quá phụ thuộc - đến mức "nghiện ngập" - giải pháp tài chính này.
Tuy nhiên, các chuyên gia của GMT cảnh báo rằng tài chính chuỗi cung ứng tiềm ẩn rủi ro vì các điều khoản, thời điểm rút vốn và đối tượng thụ hưởng không rõ ràng. Báo cáo của GMT ước tính nợ ròng thực tế của BYD có thể lên tới 323 tỷ NDT tính đến giữa năm 2024, cao hơn nhiều so với con số 27,7 tỷ NDT được công bố.
Khoảng cách này chủ yếu là do BYD loại bỏ các khoản phải thu khỏi bảng cân đối kế toán thông qua việc bán hoặc vay nợ và coi các khoản phải trả trên 90 ngày là vốn lưu động thay vì nợ phải trả. Phương pháp này tạo ra khoản nợ ẩn, có thể khiến nhà đầu tư hiểu sai về tình hình tài chính của BYD.
GMT lo ngại về việc thiếu chi tiết trong mục "phải trả khác" của BYD, vốn tăng vọt lên 165 tỷ NDT vào cuối năm 2023 từ mức 41,3 tỷ NDT cuối năm 2021. Đây có thể bao gồm tài chính chuỗi cung ứng, cho phép nhà cung cấp nhận thanh toán sớm nếu chịu phí hoặc phải chờ lâu hơn để nhận tiền.
Nợ ẩn này càng khiến nhà đầu tư khó nắm bắt tình hình tài chính thực sự của BYD trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường xe điện Trung Quốc ngày càng khốc liệt. Cuộc chiến giá đã đẩy các đối thủ yếu hơn vào thế khó và mang lại bùng nổ kinh doanh cho những ông lớn. Nhưng nó cũng khiến các nhà cung cấp ngày càng phụ thuộc vào một nhóm nhỏ các nhà sản xuất có quyền đòi hỏi các điều khoản khắt khe hơn.
Mặc dù cách BYD báo cáo các khoản phải trả không vi phạm các quy tắc kế toán, nhưng theo các chuẩn mực GAAP của Mỹ và IFRS (International Financial Reporting Standards) đã có những sửa đổi yêu cầu công bố thông tin để đánh giá ảnh hưởng của hình thức tài chính này đến nợ phải trả, dòng tiền và rủi ro thanh khoản. Đối với các nhà đầu tư, bản chất của những nghĩa vụ này vẫn còn mơ hồ.
Trước đây, GMT từng cảnh báo về khoản nợ khổng lồ thực sự của tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc. Báo cáo của họ về BYD lại một lần nữa gióng lên hồi chuông về những rủi ro tiềm ẩn đằng sau tình hình tài chính phức tạp của các doanh nghiệp lớn, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các bên trong chuỗi cung ứng.