Khi xe điện bắt đầu nở rộ vào đầu 2016, một người đam mê chơi xe là Michael Young muốn thử một chiếc xe như này trước khi xuống tiền mua. Ông ghé thăm một đại lý địa phương ở Mỹ và ngỏ ý muốn chạy thử một chiếc BMW i3.
Câu trả lời của người bán hàng khi đó khiến Young không thể tin vào tai mình. Đại diện đại lý khẳng định một mực rằng Young không thể lái BMW i3 trên cao tốc vì "tốc độ xe không thể chạy quá 70 km/h". Trên thực tế, i3 chạy được tối đa gấp đôi con số trên.
Trải nghiệm trên lập tức khiến Young triển khai một trang web để giúp người tiêu dùng mua xe điện khi cung cấp cho họ mọi thông tin cần thiết. Young đã nhận ra rằng dựa vào đại lý hay nhân viên của họ là một nguồn tin cực kỳ thiếu tin tưởng, ít nhất là với xe điện.
Tại Mỹ, thực tại nhân viên bán hàng không biết mấy về xe điện mà chính đại lý mình bán không ít ngay cả trong năm 2023 này. Nguyên nhân rất đơn giản, chính nhiều đại lý xe tại Mỹ cũng không muốn bán xe điện.
Ở quốc gia này, xe là loại hàng hóa bán theo phương thức lạ nhất. Người dùng có thể đi thẳng vào cửa hàng Apple mua iPhones nhưng họ không thể mua xe trực tiếp từ hãng. Luật bảo vệ đại lý được nhiều bang đưa vào sử dụng từ giai đoạn thập niên 1960 trở đi. Trừ Tesla, không một thương hiệu nào lách được luật trên.
Nhờ vậy, cũng chỉ ở riêng tại Mỹ, đại lý xe mới có quyền lớn hơn cả hãng. Có hơn 16.000 đại lý ủy quyền tại Mỹ không trực thuộc một thương hiệu nào và do đó có quyền tự chọn phần lớn xe mình bán ra. Xe điện là loại xe nhóm này ngại bán nhất và do đó rất lười chuyển đổi phục vụ giai đoạn mới.
Một trong những nguồn tin uy tín và lâu đời nhất của Mỹ (thành lập vào 1877) là The Washington Post đã đi sâu tìm hiểu vấn đề nói trên. Nhiều người mua xe điện chia sẻ với tờ báo này rằng đại lý luôn muốn họ chuyển sang mua xe xăng. Nhân viên tại đây cũng thường xuyên trả lời chung chung hay không chính xác những câu hỏi về xe điện của họ.
Theo một nghiên cứu được Sierra Club thực hiện vào cuối 2022, có tới 66% đại lý xe ở nước này không có xe điện. 45% trong số trên không muốn bán xe điện dù có được yêu cầu. Nguyên nhân là bởi số xe này thường tồn kho khá lâu so với xe xăng trong khi nguồn cung đã và đang tăng khi nhiều thương hiệu chạy đua sản lượng.
Thêm vào đó, tỉ lệ lãi trên mỗi đầu xe điện thường thấp hơn xe xăng vì giá xe điện vốn cao sẵn. Điều này khiến phía đại lý không mặn mà.
Khoản thu lớn nhất và ổn định nhất của nhiều đại lý là mảng dịch vụ bảo dưỡng. Tuy nhiên, xe điện yêu cầu phí bảo dưỡng và duy trì ít hơn xe xăng nhiều vì có ít hơn khoảng 100 linh kiện truyền động. Trong khi xe xăng phải thay dầu mỗi 6 tháng hay 10.000/15.000 km, nhiều xe điện chỉ yêu cầu bảo dưỡng lớn ở mốc 240.000 km.
Cuối cùng, chính nhân viên đại lý cũng nhiều khi lười bán xe điện. Họ không muốn phải đầu tư tiền và thời gian học hỏi những yếu tố mới - thứ mà xe điện có thường xuyên, chẳng hạn công nghệ lái bằng một bàn đạp. Khoản thời gian đó, theo nhiều nhân viên, có thể được sử dụng có ích hơn.
Bên cạnh đó, trong khi các dòng xe xăng quen thuộc chỉ mất của họ khoảng một tiếng "chốt đơn", người mua xe điện tốn thời gian nhiều hơn rất nhiều. Tờ Washington Post trích lời một đào tạo bán hàng chuyên nghiệp cho biết khách mua xe điện thường ghé thăm đại lý nhiều lần trước khi ra quyết định. Điều này khiến hoa hồng nhân viên bị chia ra cho nhiều người.