Trong thời gian này, Daihatsu sẽ cố gắng khắc phục hậu quả gây ra, đồng thời hãng sẽ làm việc với Chính phủ Nhật Bản để tìm cách hỗ trợ những doanh nghiệp chịu thiệt hại.
Vụ bê bối của Daihatsu còn liên quan đến 58 nhà phân phối trực thuộc với 778 cửa hàng bán hàng tại Nhật Bản, nếu cộng cả các đại lý nhỏ phân phối xe của Daihatsu thì nhà sản xuất này có khoảng 30.000 cửa hàng bán xe tại Nhật Bản bị ảnh hưởng.
Theo thông tin từ Daihatsu, có hơn 4.000 doanh nghiệp trên khắp thế giới đang sử dụng linh kiện, phụ tùng và các dịch vụ gia công do hãng cung cấp. Quyết định đóng cửa đến hết tháng 1/2024 không những ảnh hưởng đến Toyota vì Daihatsu sản xuất một số mẫu mang thương hiệu Toyota mà còn ảnh hưởng đến các công ty sử dụng sản phẩm và dịch vụ của Daihatsu.
Trước đó, vào ngày 20/12, công ty thông báo sẽ tạm thời dừng toàn bộ hoạt động phân phối tại thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sau đó, Daihatsu đã nối lại hoạt động phân phối đến thị trường Indonesia và Malaysia sau khi chính phủ hai nước xác nhận các mẫu xe ô tô của hãng được bán ở hai thị trường Đông Nam Á này đều an toàn khi sử dụng.
Ngoài những sai phạm được phát hiện hồi tháng 4 và 5 liên quan đến các thử nghiệm va chạm bên hông ô tô và các bộ phận cửa xe, kết quả điều tra mới đây còn phát hiện nhiều vấn đề bất thường mới ở 174 điểm trong 25 hạng mục thử nghiệm.
Hồi tuần trước, Daihatsu cho biết tổng số mẫu xe có liên quan đến bê bối là 64, trong đó có 22 mẫu được bán mang thương hiệu Toyota và một số mẫu mang thương hiệu Mazda, Subaru.
TH (Tuoitrethudo)