Daihatsu điều chỉnh tốc độ phát triển xe mới sau bê bối gian lận an toàn

Daihatsu cho biết sẽ kéo dài thời gian phát triển xe, gia tăng các biện pháp chống gian lận đồng thời cải tổ bộ máy lãnh đạo công ty.

Mới đây, Daihatsu đã đưa ra báo cáo cho biết sẽ kéo dài thời gian phát triển phương tiện thêm 40%, đồng thời áp dụng các biện pháp bảo vệ chống gian lận trong các tiêu chuẩn an toàn.

Soichiro Okudaira, Chủ tịch Daihatsu đã gửi báo cáo tới Bộ trưởng Giao thông Nhật Bản Tetsuo Saito, người trươc đó đã thẳng thắn nói rằng “Daihatsu phải từ bỏ văn hóa khiến nhân viên gian lận”.

Vụ bê bối gian lận kiểm định an toàn của Daihatsu bị phanh phui đã gây chấn động toàn thế giới và khiến uy tín của thương hiệu này cũng như công ty mẹ là Toyota bị ảnh hưởng nặng nề. 

Theo kế hoạch, Daihatsu sẽ tăng số lượng nhân viên kiểm tra chất lượng lên gấp bảy lần so với năm 2023. Công ty thừa nhận trước đây đã cắt giảm nhân sự ở bộ phận này để tối ưu chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, những nhân sự thực hiện bài kiểm tra an toàn cũng được tăng lên gấp rưỡi.

Ngày 16/1, Bộ trưởng Giao thông Nhật Bản đã yêu cầu Daihatsu phải cải tổ tổ chức của mình và báo cáo về các biện pháp trong vòng một tháng. Ban kiểm tra độc lập cho rằng vụ bê bối này xảy ra là do các lãnh đạo đã đẩy nhanh thời gian phát triển xe mà không thực hiện các biện pháp phòng ngừa gian lận.

Tổng giám đốc Toyota, ông Koji Sato cho biết sẽ hỗ trợ Daihatsu thay đổi bộ máy lãnh đạo. Liên quan đến mối quan hệ với Toyota, Daihatsu cho biết trong báo cáo rằng tình hình thực tế và chiến lược kinh doanh của công ty đã không được chia sẻ đầy đủ.

Không chỉ công ty con Daihatsu mà chính Toyota cũng đang vướng phải bê bối về chất lượng xe. Hồi cuối tháng 1, đơn vị điều tra nội bộ của hãng phát hiện một số sai phạm trong quá trình kiểm tra chứng nhận động cơ diesel lắp trên một số mẫu xe mang thương hiệu Toyota, Hino, Mazda và Lexus. Danh sách bao gồm Toyota Hiace, Innova, Granace, Fortuner, Land Cruiser 300, Land Cruiser Prado, Mazda Bongo, Hino Dyna, Hino Dutro và Lexus LX 500d.

Ngày 30/1, Chủ tịch Toyota Akio Toyoda đã xin lỗi về loạt bê bối và cho biết ông sẽ nỗ lực ngăn chặn tái diễn với tư cách là người phụ trách tập đoàn.

Theo quan điểm của Takayuki Asami, một luật sư có kinh nghiệm trong quản lý khủng hoảng doanh nghiệp, mặc dù Toyota đã đưa ra những biện pháp cụ thể để khắc phục những bê bối, nhưng điều quan trọng hơn là giám sát những phương án này được thực hiện một cách đúng đắn.

"Công ty nên sẵn sàng để nói rằng nếu họ không thể đảm bảo an toàn cho một chiếc xe, thì nó không nên được phát triển" Asami nhận định.

Thái Sơn (Tuoitrethudo)

Tham khảo: Nikkei Asia