Theo The Economist, Tesla đã gặp rất nhiều khó khăn trong những tháng gần đây. Vào tháng 1, công ty xe điện hàng đầu thế giới đã cảnh báo rằng tốc độ tăng trưởng sẽ "thấp hơn đáng kể" trong năm nay do sự nhiệt tình của khách hàng đối với loại xe chạy bằng pin đã mất đi.
Cùng tháng đó, công ty phải tạm dừng hầu hết hoạt động sản xuất tại nhà máy khổng lồ gần Berlin do nguồn cung bị gián đoạn vì tình trạng hỗn loạn ở Biển Đỏ. Thị phần của hãng tại Trung Quốc - thị trường xe điện lớn nhất thế giới thì đang giảm do phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với các hãng xe địa phương, đặc biệt là từ BYD. Thậm chí, cuối năm ngoái, BYD đã nhanh chóng vượt Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới.
Đến ngày 2/4, tin xấu lại ập tới khi Tesla báo cáo rằng họ đã giao ít hơn 390.000 xe trong quý đầu tiên. Con số này đã giảm 8,5% so với một năm trước - và thấp hơn đáng kể so với những gì các nhà phân tích Phố Wall vốn mong đợi.
Giá trị thị trường của Tesla đã giảm 1/3 trong năm nay, xuống dưới 550 tỷ USD. Con số này vẫn cao hơn bất kỳ nhà sản xuất ô tô nào khác nhưng khác xa so với mức 1,2 nghìn tỷ USD mà hãng này có được vào năm 2021. Ông chủ của hãng, Elon Musk, hiện chỉ là người giàu thứ ba thế giới.
Tesla khó khăn thì đã rõ, những vấn đề nằm ở chỗ hàng loạt những công ty từng nổi lên nhanh chóng với tham vọng "bắt chước" Tesla cũng có khoảng thời gian chẳng mấy suôn sẻ. Ba năm trước, khi Musk chứng tỏ rằng sản xuất xe điện có thể là một ngành kinh doanh nghìn tỷ USD, các nhà đầu tư đã tranh nhau ủng hộ những công ty mới hứa hẹn sẽ là "Tesla tiếp theo".
Hai công ty khởi nghiệp của Mỹ IPO vào đầu năm đó từng tăng tốc nhanh chóng. Vốn hóa thị trường của Lucid Motors, được thành lập năm 2007, đã vượt 90 tỷ USD. Rivian, được tạo ra hai năm sau đó, đạt giá trị khoảng 150 tỷ USD. Cả 2 công ty này đều có giá trị cao hơn Ford, hãng ô tô gần 120 năm tuổi và bán được 4 triệu xe vào năm 2021, so với con số chỉ 125 chiếc của Lucid và 920 chiếc của Rivian.
Các đối thủ Trung Quốc như Li Auto (thành lập năm 2015), Nio và Xpeng (cả hai đều năm 2014) cũng được định giá rất cao. Vào cuối năm 2021, giá trị thị trường tổng hợp của 6 công ty xe điện "chém gió" sẽ trở thành Tesla tiếp theo đã đạt mức đáng kinh ngạc: 400 tỷ USD.
Ngày nay, sáu công ty này trị giá 65 tỷ USD và đang tiếp tục giảm. Fisker, một công ty Mỹ 8 năm tuổi và HiPhi, một công ty Trung Quốc 5 tuổi thậm chí đã tạm dừng sản xuất. Vào ngày 25/3, giá cổ phiếu sụt giảm khiến giao dịch cổ phiếu của Fisker bị đình chỉ và công ty có thể sớm bị hủy niêm yết.
HiPhi có thể đang tìm cách bán mình cho một nhà sản xuất ô tô lớn của Trung Quốc. Faraday Future, công ty chỉ bán được 11 chiếc xe điện hạng sang vào năm ngoái, đang đứng trên bờ vực phá sản. Lordstown, một công ty khởi nghiệp của Mỹ được thành lập vào năm 2018 để sản xuất xe bán tải và suv chạy điện thì đã phá sản vào năm 2023.
Ngay cả những công ty mạnh mẽ hơn một chút cũng đang gặp khó khăn. Lucid đã bán được 6.000 chiếc xe và hiện cũng có giá trị chỉ bằng 1/15 so với lúc IPO. Li Auto, Leapmotor, Nio và Xpeng, những công ty đã phân phối hơn 800.000 ô tô vào năm ngoái, cũng chứng kiến giá cổ phiếu của mình sụt giảm.
Chỉ có Li thu được lợi nhuận, chủ yếu là do họ không sản xuất gì ngoài xe hybrid. Việc sống sót - chứ chưa nói đến phát triển trong một thế giới xe điện như hiện tại đang tỏ ra rất khó khăn.
Câu hỏi đặt ra là: Những công ty nào từng mong muốn trở thành Tesla thứ hai (nếu có) sẽ thành công?
Trên thực tế, việc kiếm tiền sản xuất xe chạy động cơ đốt trong, với hàng nghìn bộ phận chuyển động làm tăng độ phức tạp và chi phí, đòi hỏi các nhà sản xuất ô tô phải sản xuất số lượng lớn. Ngược lại, tính kinh tế mới của năng lượng pin được cho là sẽ hạ thấp các rào cản gia nhập.
Những công ty khởi nghiệp xe điện thì "bắt chước" Tesla bằng cách tự phong mình là công ty công nghệ thay vì nhà sản xuất, cho rằng họ có thể kiểm soát chi phí bằng cách sử dụng các thiết kế đơn giản hơn và mô phỏng lại quy trình sản xuất theo cách mà những công ty lâu đời lâu năm không thể làm được.
Các thành phần như pin và động cơ điện có thể được mua sẵn, khiến các nhà sản xuất xe điện phải tập trung phát triển phần mềm thú vị giúp xe của họ trở nên nổi bật nhờ trải nghiệm trong xe tốt hơn, từ thông tin giải trí đến ánh sáng theo tâm trạng. Một số công ty, như Fisker, chỉ đơn giản là thuê ngoài công việc sản xuất.
Tuy nhiên, những lợi thế này đã không vượt qua được nhu cầu truyền thống về khối lượng tới hạn. Để kiếm được lợi nhuận từ ô tô vẫn cần phải sản xuất khoảng 500.000 xe mỗi năm. "Quy mô là rất quan trọng và sản xuất thì khó", Tu Le của công ty tư vấn Sino Auto Insights tổng kết.
Mặc dù Tesla khởi đầu là một thương hiệu xa xỉ, lắp đặt những cục pin lớn và đắt tiền cho những chiếc ô tô cỡ lớn và đắt tiền nhưng hãng vẫn luôn để mắt đến thị trường đại chúng. Lợi nhuận chỉ bắt đầu chảy vào sau khi họ vượt qua được trải nghiệm cận kề cái chết được Elon Musk mô tả là "địa ngục sản xuất" bằng cách cố gắng tạo ra số lượng lớn Model 3 rẻ hơn.
Philippe Houchois của Jefferies, một ngân hàng đầu tư lưu ý: Cơ hội sống sót bằng cách chỉ phục vụ phân khúc giá cao có tỷ suất lợi nhuận cao là thấp. Cứ nhìn vào Faraday Future sẽ thấy công ty này dường như không có tương lai khi bán các sản phẩm có giá khởi điểm lên tới 250.000 USD.
Bản thân những công ty trong ngành đã nhận thức được vấn đề. Bước đầu tiên của họ là nhìn vào thị trường bình dân. Vào ngày 7/3, Rivian đã công bố ba mẫu xe rẻ hơn sẽ bắt đầu xuất hiện vào năm 2026. Năm ngoái Xpeng đã ký thỏa thuận với Didi Global, một gã khổng lồ về dịch vụ gọi xe của Trung Quốc, để sản xuất những chiếc ô tô rẻ hơn và thiết lập quan hệ đối tác với Volkswagen để sản xuất xe điện cho thị trường đại chúng cho Trung Quốc.
Dẫu vậy, để thành công, những công ty này vẫn phải tạo ra được một sản phẩm có tính cạnh tranh với những tính năng độc đáo. Tesla đã thành công nhờ đặt công nghệ lên hàng đầu. Kết quả là một chiếc xe điện đáng mơ ước không hề rẻ nhưng có kiểu dáng mảnh dẻ và phạm vi hoạt động khá tốt.
Tuy nhiên, hầu hết các công ty tham gia thị trường đều thiếu các tính năng độc đáo cho sản phẩm. Những chiếc xe do Rivian và Lucid sản xuất không có gì nổi bật về mặt công nghệ. Chỉ riêng vẻ ngoài đẹp đẽ của chúng không đủ để biện minh cho mức giá đắt đỏ.
Trong khi đó, khi nhu cầu về sản phẩm yếu đi, nhiều công ty cần thêm vốn để tiếp tục hoạt động. Vào ngày 25/3, Lucid cho biết họ đã huy động được thêm 1 tỷ USD từ nhà đầu tư lớn nhất của mình, quỹ tài sản có chủ quyền của Ả Rập Saudi. Nhiều đối thủ không được may mắn như vậy.
Rivian có 9,4 tỷ USD tiền mặt ròng vào cuối năm 2023 nhưng sẽ cần thêm hàng tỷ USD để sản xuất các mẫu xe rẻ hơn. Đã qua rồi cái thời mà những người có tiền sẽ ném kho báu của họ vào bất kỳ công ty nào chỉ sau 1 bài thuyết trình PowerPoint hợp lý và ấn tượng về một chiếc ô tô điện kiểu dáng đẹp.
Sau khi bỏ ra hàng tỷ USD trong những năm tính đến năm 2021, chỉ để chứng kiến hàng tỷ USD bị đốt vô ích, các nhà đầu tư bắt đầu tỏ ra nghi ngờ trước những lần thất hứa, những mẫu xe mới đáng thất vọng và triển vọng lợi nhuận ngày càng giảm sút. Kết quả là theo chuyên gia Hummel của UBS, hầu hết các công ty khởi nghiệp xe điện sẽ sớm biến mất.
Có khả năng sống sót cao nhất có thể là những công ty xe điện Trung Quốc. Lý do là bởi đây có vẻ là những công ty sáng tạo nhất trong ngành. Xe điện cao cấp của Nio đi kèm với tùy chọn thay pin và ít nhất ở Trung Quốc có một mạng lưới rộng lớn các trạm để thực hiện việc đó. Người lái xe có thể lên đường trong vài phút mà không cần phải ra khỏi xe. Bernstein, một nhà môi giới, coi Xpeng là một trong những công ty đi đầu về công nghệ lái xe tự động.
Nhìn chung, vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước và nếu Tesla hay bất kỳ công ty nào sống sót sau cuộc khủng hoảng xe điện hiện tại nghĩ rằng họ đã có thể thở phào nhẹ nhõm thì chắc hẳn họ sẽ cần phải suy nghĩ lại!
Theo: The Economist