Công ty Trung Quốc âm thầm nghiên cứu 1 ‘vũ khí’ suốt 20 năm, chứng minh lời tiên tri của chủ tịch Toyota về xe điện là hoàn toàn đúng

Tầm nhìn xa trông rộng của công ty Trung Quốc đã khiến Tesla 'hít khói'.

Sam Zhong, sau khi lái thử vài mẫu xe chạy xăng và chạy điện, đã quyết định mua một chiếc plug-in hybrid Qin Plus của BYD với giá 100.000 nhân dân tệ ( 13.900 USD). Mức giá phù hợp với túi tiền của Sam Zhong và hơn nữa, giúp anh yên tâm thực hiện các chuyến đi đường dài.

“Chiếc xe này mang lại cho tôi trải nghiệm lái tuyệt vời, ngay cả ở chế độ chạy hoàn toàn bằng điện. Tôi rất hài lòng với quyết định này”, Zhong, một cư dân Quảng Đông 29 tuổi, cho biết.

Nhu cầu ngày càng tăng đối với xe plug-in hybrid—giúp giải quyết nỗi lo về phạm vi di chuyển và giá cả—đã đưa phân khúc này trở thành động lực tăng trưởng cho thị trường xe điện Trung Quốc, nhất là sau khi trợ cấp xe điện quốc gia bị loại bỏ. Năm ngoái, doanh số bán xe plug-in hybrid tăng 83% so với mức tăng trưởng 21% của xe điện. Xu hướng được cho là sẽ tiếp tục diễn ra trong năm nay.

Vào tháng 1 - tháng tương đối chậm chạp đối với doanh số bán ô tô, lượng giao hàng pin EV giảm 39% so với tháng 12, trong khi lô hàng xe plug-in hybrid chỉ giảm 16%. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Xe khách Trung Quốc (PCA), doanh số bán xe nói chung đã giảm 14%.

Theo Trung tâm Nghiên cứu và Công nghệ Ô tô Trung Quốc, số lượng xe điện bán ra vẫn nhiều hơn xe plug-in hybrid. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh chóng về doanh số xe lai đã khiến người ta đặt ra câu hỏi về mục tiêu cuối cùng của các quốc gia khi tham vọng chuyển đổi sang phương tiện sạch hoàn toàn.

Sự phổ biến ngày càng tăng của xe plug-in hybrid chính là tin xấu đối với những hãng xe như Tesla, Nio hay Xpeng vốn chỉ sản xuất ô tô chạy hoàn toàn bằng điện. Khách hàng của họ chủ yếu tập trung tại các đô thị lớn, giàu có như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến. Người dân ở các thành phố nhỏ hoặc khu vực nông thôn thì dường như ưa thích những lựa chọn hợp lý hơn về chi phí cũng như phạm vi lái xe.

BYD đã bán được 3 triệu xe vào năm 2023, trong đó xe plug-in hybrid chỉ chiếm chưa đến một nửa tổng số. Trước đó, hãng này đã phát triển nền tảng plug-in hybrid, DM-i, trong gần 20 năm. Thế hệ công nghệ thứ tư ra mắt vào năm 2021 đã trở thành một cú hit lớn, giúp BYD trở thành thương hiệu ô tô bán chạy nhất Trung Quốc vào năm ngoái. Công ty cũng vượt qua Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới trong quý vừa rồi.

“BYD là đối thủ chiếm ưu thế - họ có vũ khí mà Tesla không có, đó là xe plug-in hybrid”, Bill Russo, cựu giám đốc của Chrysler và hiện là giám đốc điều hành của Automobileity - một công ty tư vấn có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết.

Công ty Trung Quốc âm thầm nghiên cứu 1 ‘vũ khí’ suốt 20 năm, chứng minh lời tiên tri của chủ tịch Toyota về xe điện là hoàn toàn đúng - Ảnh 1.

Xe điện sẽ là tương lai nhưng một số khách hàng vẫn chưa sẵn sàng sử dụng nó

Theo Ilaria Mazzocco, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, áp dụng xe điện là một quá trình thúc đẩy giữa người tiêu dùng, nhà sản xuất và chính phủ.

“Một số thành phố có thể tiếp tục điều chỉnh các chính sách và ưu tiên cho xe chạy bằng pin thay vì xe plug-in hybrid. Tuy nhiên, khi ngày càng nhiều các công ty cung cấp những lựa chọn đáng tin cậy với giá thành phải chăng hơn, người tiêu dùng sẽ có xu hướng phản hồi. Có nhu cầu về xe plug-in hybrid”, bà nói.

Wang Xin, một đại lý ô tô ở Giang Tô, cho biết ông nhận thấy sự quan tâm ngày càng tăng đối với xe plug-in hybrid. “Khi hỏi về xe hybrid, họ quan tâm nhất đến giá cả và mức tiêu thụ nhiên liệu của từng mẫu xe. Khách hàng cũng thường bắt đầu với một số câu hỏi chung chung về xe chạy bằng pin, chẳng hạn như độ an toàn và phạm vi lái xe”, ông nói.

Theo Russo của Automobileity, sự phổ biến của xe plug-in hybrid không hẳn là tiêu cực bởi đây là giai đoạn chuyển tiếp trên con đường áp dụng xe điện chạy pin hoàn toàn. Đối với các nhà sản xuất ô tô, việc phát triển xe hybrid vừa giúp họ “đặt 1 chân” vào công cuộc điện khí hóa, lại vừa có thể đáp ứng nhu cầu của những tài xế tò mò về EV nhưng chưa hết hoài nghi.

Toyota là thương hiệu tận dụng mạnh mẽ nhất xu hướng này khi 1/4 số xe bán ra trên toàn cầu trong năm 2022 đều có cả động cơ xăng và động cơ điện. Công ty cũng cho ra mắt phiên bản thứ năm của Prius sau khoảng 25 năm phiên bản đầu tiên được trình làng.

“Xe điện sẽ là tương lai của chúng tôi, nhưng giờ chúng tôi chưa sẵn sàng để sử dụng nó”, Kate Buckens đang sống tại vùng nông thôn Connecticut nói, đồng thời cho biết gia đình cô chỉ đi những quãng đường ngắn trong phạm vi 50km nên đã quyết định mua 1 chiếc Toyota Rav4 Prime hybrid.

Trao đổi với báo giới, ông Simon Humphries, quản lý cấp cao tại Trung tâm Phát triển ô tô Toyota, cho rằng ô tô điện chạy bằng pin vô cùng quan trọng, song không phải giải pháp tốt nhất cho tất cả mọi người. Tập đoàn này cũng duy trì dòng sản phẩm hybrid một phần vì quan ngại tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu pin và cơ sở hạ tầng trạm sạc trong ít nhất một thập kỷ tới. “Chúng ta cần sử dụng tư duy hệ thống”, Gill Pratt, nhà khoa học chính của Toyota, nói. “Pin nên được đặt ở nơi chúng hoạt động tốt nhất.”

“Trung bình, lượng khí thải của bạn thấp hơn đáng kể nếu bạn sử dụng xe chạy hoàn toàn bằng điện. Một số loại xe hybrid cũng cho tác dụng tốt tương tự”, Jessika Trancik, giáo sư MIT cho biết.

Theo: Bloomberg, CNA