Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thoả thuận về luật cấm bán ô tô sử dụng động cơ xăng và diesel (ICE) kể từ năm 2035, nhằm tăng tốc độ chuyển đổi sang xe điện và chống biến đổi khí hậu, Reuters đưa tin.
Cụ thể, cơ quan điều hành của EU, quốc hội cùng các quốc gia thành viên đã hoàn tất một thỏa thuận về cơ bản để hướng đến loại bỏ hoàn toàn phương tiện trang bị động cơ đốt trong trong vòng 12 năm tới.
Nhà đàm phán từ các nước EU và Nghị viện châu Âu, những bên phải thông qua luật mới của EU, cùng với Ủy ban châu Âu, cơ quan soạn thảo luật mới, đã đồng ý rằng các nhà sản xuất ô tô phải đạt được mức cắt giảm 100% lượng khí thải CO2 vào năm 2035, điều này đồng nghĩa với việc không thể bán các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hoá thạch trong khối 27 quốc gia.
Giám đốc chính sách khí hậu của EU Frans Timmermans cho biết thỏa thuận đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến ngành công nghiệp và người tiêu dùng ở châu Âu. Ông nói: “Châu Âu đang đón nhận sự chuyển dịch sang phương tiện di chuyển không phát thải".
Thỏa thuận cũng bao gồm việc cắt giảm 55% lượng khí thải CO2 đối với những chiếc ô tô mới được bán từ năm 2030 so với mức năm 2021, cao hơn nhiều so với mục tiêu hiện tại là giảm 37,5% vào thời điểm đó.
Xe tải mới phải tuân thủ mức cắt giảm 100% CO2 vào năm 2035 và cắt giảm 50% vào năm 2030 so với mức năm 2021.
Ông chủ của Volkswagen Thomas Schaefer trong tuần này cho biết từ năm 2033, thương hiệu này sẽ chỉ sản xuất ô tô điện ở châu Âu.
Jaguar xác nhận sẽ ngưng dải sản phẩm ICE sớm nhất vào năm 2025. Các thương hiệu con thuộc tập đoàn Stellantis bao gồm Alfa Romeo, Peugeot, Citroën hay Jeep, cùng với các hãng xe khác như Ford, Volvo, Bentley và Rolls-Royce đều xác nhận sẽ điện khí hóa hoàn toàn dòng ô tô của mình trong vòng 7 năm tới.
Liên minh châu Âu hiện sở hữu tổng cộng 27 quốc gia thành viên. Ngoài ra, Albania, Moldova, Cộng hòa Bắc Macedonia, Montenegro, Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ và cả Ukraine đều là những ứng viên tiềm năng có thể trở thành thành viên của tổ chức này trong tương lai.