Theo trang Mint (Ấn Độ), chính phủ nước này có khả năng sẽ cho phép các nhà sản xuất xe điện (EV) hưởng lợi từ chính sách mới được công bố vào tháng 3, ngay cả khi các khoản đầu tư của họ đã được thực hiện trước đó.
Động thái này sẽ mang lại lợi ích cho VinFast, nhà sản xuất xe điện của Việt Nam. VinFast đã công bố vào tháng 1 rằng họ sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện tại Ấn Độ, nguồn tin giấu tên cho biết, chia sẻ thêm rằng chính sách mới có thể thu hút thêm một số nhà sản xuất xe điện toàn cầu đến sản xuất tại Ấn Độ.
Cụ thể, ngày hết hạn xác nhận (cut-off date) để được đủ điều kiện có mặt trong chính sách mới có khả năng là "một tháng nào đó của năm 2023", và thông báo chính thức có thể sẽ được đưa ra vào tháng 8, một quan chức chính phủ nói.
Hiện tại, Ấn Độ đang chuẩn bị các quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) và quy tắc để thực hiện chính sách xe điện mới.
Theo các hướng dẫn ban đầu được công bố vào tháng 3 năm 2024, chỉ những công ty đầu tư vào các cơ sở mới để sản xuất xe điện kể từ ngày phê duyệt theo chương trình trong ba năm tới mới đủ điều kiện nhận ưu đãi.
Xe điện VinFast sẽ hưởng lợi từ chính sách mới?
Vào tháng 1, nhà sản xuất xe điện Việt Nam VinFast Auto Ltd đã công bố kế hoạch xây dựng một cơ sở sản xuất tại Tamil Nadu với số vốn 2 tỷ USD, trong đó khoản đầu tư ban đầu là 500 triệu USD.
Các nguồn tin cho biết rằng việc thay đổi ngày hết hạn xác nhận trong chính sách xe điện mới có thể giúp VinFast đủ điều kiện để yêu cầu nhận ưu đãi cho các khoản đầu tư của mình.
Các nhà phân tích cho rằng động thái này sẽ gửi một tín hiệu tích cực đến những nhà đầu tư nước ngoài.
"Điều này thể hiện cam kết của chính phủ trong việc tạo ra một môi trường thân thiện với doanh nghiệp bằng cách linh hoạt phản ứng với nhu cầu của các nhà đầu tư tiềm năng," Saket Mehra, đối tác và người đứng đầu lĩnh vực ô tô tại công ty Grant Thornton Bharat, cho biết, đồng thời bổ sung rằng chính sách mới nhấn mạnh sự sẵn sàng của Ấn Độ trong việc điều chỉnh quy định để tạo điều kiện cho các khoản đầu tư lớn.
"Động thái này có khả năng xây dựng niềm tin với các nhà sản xuất xe điện toàn cầu khác, cho thấy Ấn Độ là một thị trường chủ động và sẵn sàng hỗ trợ cho các dự án công nghiệp quan trọng," Mehra nói.
Theo chính sách xe điện đã công bố, chính phủ sẽ cho phép ô tô điện nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) có giá trị CIF (bao gồm tiền hàng, bảo hiểm và cước phí) tối thiểu 35.000 USD hưởng mức thuế nhập khẩu 15% trong thời gian 5 năm, nếu các công ty đầu tư tối thiểu 500 triệu USD để bắt đầu sản xuất nội địa.
Trong khi Ấn Độ muốn thu hút hãng xe điện lớn của Mỹ là Tesla đến sản xuất tại Ấn Độ, công ty do Elon Musk dẫn đầu có khả năng không công bố kế hoạch sản xuất tại quốc gia này ngay bây giờ.
Theo các chuyên gia, một trong những lý do khiến dự án Tesla tại Ấn Độ không thành công là do công ty muốn nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm năm đầu vì sản lượng xe của họ tại Trung Quốc vẫn là rất lớn.
"Ấn Độ phản đối bất kỳ việc nhập khẩu nào từ Trung Quốc nhưng sẽ đồng ý nếu các đơn vị nhập khẩu đến từ châu Âu hoặc Mỹ," nguồn tin giấu tên cho biết.
Một mũi tên trúng nhiều đích
Dù Tesla bỏ lỡ Ấn Độ, chính phủ nước này kỳ vọng sẽ có thêm từ hai đến ba nhà sản xuất toàn cầu khác tận dụng chính sách xe điện và công bố kế hoạch sản xuất tại Ấn Độ.
"Chúng tôi mong đợi sự quan tâm từ ít nhất ba hãng xe và có thể còn nhiều hơn nữa," một quan chức chính phủ nói."Kế hoạch là kêu gọi nộp đơn từ các bên quan tâm từ tháng 9 và công bố các hãng sẽ được thụ hưởng chính sách vào tháng 12 năm nay."
Saket Mehra cho biết ông mong đợi chính sách này sẽ thu hút sự quan tâm đáng kể từ cả các nhà sản xuất lâu đời và mới nổi trên thị trường xe điện toàn cầu.
(Tổng hợp)