Các nguồn tin cho biết, trong năm 2020 tại Ấn Độ đã có 366.000 vụ tai nạn giao thông và gần 132.000 người tử vong. Đây là một tỷ lệ đáng lo ngại với gần 50% số người thiệt mạng trong các vụ tai nạn.
Để giải quyết thực trạng này, một dự thảo được chính quyền Ấn Độ đưa ra với quy định tất cả các xe ô tô mới phải có thêm túi khí bên và túi khí rèm nhằm bảo vệ những hành khách ngồi phía sau.
Tại Ấn Độ, điều kiện đường xá được cho là đang ở mức tồi tệ và dễ dẫn đến các vụ tai nạn giao thông trong khi đó các mẫu xe giá rẻ đang chiếm lĩnh thị trường này với hai hãng chính là Maruti Suzuki và Hyundai Motor.
Phần lớn các ô tô bán ra tại Ấn Độ chỉ có giá dưới 10.000 USD, tương đương khoảng 230 triệu VNĐ. Với các mẫu xe giá rẻ này bắt buộc các hãng xe phải cắt giảm bớt các tính năng và tiện ích trên ô tô đã khiến chiếc xe không đảm bảo an toàn đối với tất cả mọi người.
Hiện đề xuất này vẫn còn trong quá trình thảo luận bởi các luồng ý kiến cho biết chính sách này có thể tác động mạnh đến thị trường ô tô. Chính phủ Ấn Độ sẽ mở một cuộc đối thoại với các nhà sản xuất và công chúng trong tháng tới và nếu được thông qua thì có thể đến tháng 10/2022 thì các hãng sản xuất ô tô ở Ấn Độ sẽ phải đáp ứng yêu cầu này.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nitin Gadkari cho biết: “Để giảm thiểu tác động của va chạm trực diện và va chạm bên hông đối với những người ngồi trên xe, cần bổ sung thêm điều luật bắt buộc trang bị hai túi khí bên và hai túi khí rèm, đưa tổng số túi khí bắt buộc trên một chiếc xe lên 6. Đây là một bước đi quan trọng để làm cho các phương tiện cơ giới ở Ấn Độ trở nên an toàn hơn bao giờ hết”.
Tuy nhiên, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Ấn Độ (SIAM) lại không hoàn toàn đồng ý với quan điểm của ông Gadkari. Họ cho biết không có bất kỳ thống kê hay dữ liệu về số ca tử vong nào cho thấy một chiếc xe có 2 túi khí kém an toàn hơn so với xe có 6 túi khí.
Trong khi đó, nếu bổ sung thêm 4 túi khí bên và túi khí rèm theo đề xuất của Bộ trưởng, chi phí sản xuất cho mỗi chiếc xe sẽ tăng lên 8.000 - 10.000 Rupee (~ 2,4 - 3 triệu đồng). Khoản chi phí bổ sung này có thể ảnh hưởng đến việc đưa ra quyết định của khách hàng nếu muốn chuyển từ xe máy sang ô tô.
Về phía các quan chức chính phủ, họ bác bỏ ý kiến từ phía SIAM với lý do rằng ô tô sản xuất tại Ấn Độ nếu muốn xuất khẩu sang châu Âu cần có ít nhất 6 túi khí. Điều này chỉ ra sự cần thiết và quan trọng của trang bị 6 túi khí trên xe khi mà châu Âu - một trong những thị trường ô tô lớn nhất thế giới - đã sớm nhận ra được điều đó. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất ô tô hiện nay lại đang có xu hướng bổ sung thêm nhiều túi khí hơn để đạt được xếp hạng an toàn cao hơn.