10. Ford Model T (1908)
Ford Model T không phải là chiếc ô tô đầu tiên được ra mắt, nhưng nó là chiếc đầu tiên sử dụng dây chuyền sản xuất hàng loạt để giảm giá thành. Đã từng có thời điểm, Model T chỉ có giá 250 USD, tương đương khoảng 4.700 USD (khoảng 119 triệu đồng) theo tỷ lệ lạm phát hiện nay.
Cũng nhờ dây chuyền sản xuất hàng loạt hiện đại nhất thời bấy giờ, Ford đã rút ngắn đáng kể thời gian lắp ráp xe, từ đó đáp ứng nhu cầu lớn của khách hàng và đem về doanh số khủng. Vào thời kỳ đỉnh cao, khoảng một nửa số ô tô trên thế giới là Model T, và nó đã định hình phương pháp sản xuất của ngành ô tô sau này.
9. Bugatti Veyron (2005)
Veyron được coi là mẫu hypercar đầu tiên. Với động cơ W16 tăng áp kép dung tích 8.0L cho công suất 1.001 mã lực và mô-men xoắn 1.250 Nm, mẫu xe đến từ Pháp có thể tăng tốc 0-100 km/h chỉ trong 2,5 giây trước khi đạt vận tốc tối đa 407 km/h.
Những con số này là vô cùng khủng vào thời điểm những năm giữa thập niên 2000, biến Veyron trở thành tượng đài của làng xe hơi hiệu suất cao. Bugatti Veyron cũng xác lập chuẩn mực cho khái niệm hypercar, mở đường cho sự ra đời của những siêu phẩm như Porsche 918 và LaFerrari về sau.
8. Audi Quattro (1980)
Trong quá khứ, hệ dẫn động 4 bánh thường chỉ xuất hiện trên các dòng xe địa hình như các mẫu ô tô Jeep và Land Rover. Tuy nhiên tới năm 1980, Audi đã có sáng kiến đột phá khi tung ra một mẫu xe phổ thông gầm thấp có hệ dẫn động AWD (4 bánh toàn thời gian).
Đó chính là chiếc Audi Quattro - mẫu xe AWD đầu tiên được sản xuất hàng loạt. Quattro sau đó đã nhanh chóng thống trị đường đua rally, vốn trước đó chỉ toàn xe dẫn động cầu trước hoặc cầu sau. Từ đó, những đối thủ của Audi hay nhiều hãng xe khác cũng dần coi trọng và nghiêm túc phát triển AWD như một xu hướng.
7. Tesla Model S (2013)
Mặc dù ô tô điện đã tồn tại từ lâu nhưng kỷ nguyên của dòng xe này chỉ thực sự bắt đầu khi Tesla Model S ra đời năm 2013. Mẫu xe này cung cấp phạm vi di chuyển 250 dặm (khoảng 400 km), phá tan định kiến của công chúng về tính khả dụng của xe điện .
Các mẫu xe điện sau này dù của Tesla hay hãng khác đều đã và đang phát triển không ngừng để cải thiện tầm vận hành, từ đó chứng minh rằng ô tô điện là một phương tiện có thể sử dụng hàng ngày. Đến năm 2024, phạm vi di chuyển của một số xe thậm chí đã vượt qua mốc 500 dặm (khoảng 800 km).
6. Ford Mustang (1964)
Ra mắt lần đầu năm 1964, Ford Mustang là mẫu xe thể thao hướng tới nhóm khách hàng trẻ tuổi muốn có trải nghiệm lái đầy phấn khích đi kèm mức giá phải chăng. Với động cơ I6 hoặc V8 mạnh mẽ cùng thiết kế ấn tượng, Mustang đã nhanh chóng trở thành một cơn sốt.
Ngay trong năm đầu mở bán, Mustang đã đạt doanh số hơn 400.000 chiếc. Mẫu xe này từ đó đã trở thành một biểu tượng, góp phần mở ra trào lưu xe cơ bắp tại Mỹ với sự ra đời của những Chevrolet Camaro hay Dodge Challenger về sau.
5. BMW M5 (1985)
BMW M5 là chiếc sedan thể thao đầu tiên kết hợp giữa hiệu suất và tính thực dụng. Xe được phát triển dựa trên kết cấu khung gầm của chiếc 535xi và các chi tiết khí động học thừa hưởng từ mẫu M535i.
Với động cơ I6 3.5L công suất 286 mã lực, kết hợp với hệ thống phanh và hệ thống treo được nâng cấp, BMW M5 là mẫu sedan mạnh mẽ nhất thời bấy giờ. Sự ra đời của M5 đã tạo nên tiêu chuẩn cho dòng sedan hiệu suất cao sau này.
4. Pontiac GTO (1964)
Khác với Mustang thiên về phong cách, Pontiac GTO được coi là biểu tượng của xe cơ bắp đích thực khi tập trung hoàn toàn vào hiệu suất . Ra mắt vào năm 1964, chiếc GTO được coi là "quái thú đường phố" khi sở hữu động cơ V8 6.4L mạnh 325 mã lực và mô-men xoắn 580 Nm.
Có thể nói, Pontiac GTO là một trong những mẫu xe đóng vai trò quan trọng tạo nên thời kỳ vàng son của dòng xe cơ bắp Mỹ, thúc đẩy các nhà sản xuất khác nhanh chóng nhập cuộc với những mẫu xe mạnh mẽ của riêng mình.
3. Volvo PV544 (1959)
Nhà sản xuất xe hơi Thụy Điển Volvo từ lâu đã nổi tiếng với việc tập trung vào vấn đề an toàn trên ô tô và mẫu PV544 ra đời năm 1959 là một trong những đỉnh cao của họ. Đây là chiếc xe đầu tiên trên thế giới được trang bị dây an toàn 3 điểm.
Volvo sau đó đã từ chối nộp bằng sáng chế và cho phép các hãng xe khác cùng sử dụng phát minh của mình vì lợi ích an toàn. Thiết kế dây an toàn 3 điểm đã cứu sống hàng triệu mạng người và trở thành chuẩn mực cho mọi chiếc ô tô ngày nay.
2. Saab 99 Turbo (1978)
Saab 99 Turbo là mẫu xe đầu tiên sử dụng công nghệ tăng áp (turbo) trong sản xuất đại trà, giúp tăng công suất mà vẫn tiết kiệm nhiên liệu.
Với động cơ tăng áp 2.0L, công suất 145 mã lực, 99 Turbo đã mở ra kỷ nguyên của xe tăng áp. Công nghệ này sau đó được áp dụng rộng rãi trong các dòng xe thể thao và cả xe đua F1.
1. Jeep Wagoneer (1963)
Jeep Wagoneer là chiếc SUV đầu tiên. Chiếc xe này kết hợp giữa tính thực dụng và khả năng off-road đặc trưng của Jeep cùng với đầy đủ tiện nghi để mang lại sự thoải mái cho cả gia đình.
Wagoneer được coi là mẫu xe đã đặt nền móng cho sự phát triển của phân khúc SUV hay xe gầm cao nói chung, loại xe phổ biến nhất trên thị trường ô tô hiện nay.