Lãi suất chậm đóng phạt nguội có thể lên đến 18%/năm

Cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, người vi phạm giao thông phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Từ ngày 1/1/2025, việc xử lý các hành vi vi phạm giao thông không dừng phương tiện để kiểm tra sẽ được thực hiện qua hình thức phạt nguội, theo quy định tại Thông tư 73/2024/TT-BCA.

Theo quy định, đối với trường hợp vi phạm nhưng không dừng được phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính sẽ xác định thông tin phương tiện, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan thông qua cơ quan đăng ký xe, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ quan, tổ chức khác có liên quan. Thông tin này sẽ được sử dụng để gửi thông báo phạt nguội tới người vi phạm trong vòng 10 ngày kể từ khi phát hiện hành vi vi phạm.

Nếu chủ phương tiện không cư trú tại địa bàn nơi xảy ra vi phạm hoặc không thuộc thẩm quyền xử lý của công an cấp xã, phường, thị trấn, kết quả thu thập thông tin sẽ được chuyển đến cơ quan chức năng cấp huyện nơi chủ phương tiện cư trú. Việc gửi thông báo phạt có thể được thực hiện bằng văn bản hoặc qua phương thức điện tử thông qua ứng dụng VneTraffic.

Lực lượng CSGT cũng sẽ công khai thông tin vi phạm trên các trang thông tin điện tử của Cục CSGT và ứng dụng VNeTraffic để người dân có thể tra cứu và liên hệ giải quyết vi phạm.

Nếu không nộp phạt nguội đúng hạn, thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi Khoản 39, Điều 1, Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020). Trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 2, Điều 68, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020), thời hạn thi hành quyết định là 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt; trường hợp quyết định xử phạt có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

Đối với trường hợp nộp tiền phạt nhiều lần, áp dụng theo khoản 2, Điều 79 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020), thời hạn nộp tiền phạt nhiều lần không quá 6 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực; số lần nộp tiền phạt tối đa không quá 3 lần.

Cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt theo quy định tại khoản 2, Điều 78, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi việc đi lại gặp khó khăn thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm thu tiền phạt tại chỗ và nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 7 ngày, kể từ ngày thu tiền phạt.”

Đáng chú ý, nếu quá thời hạn nộp phạt nguội nêu trên, chủ phương tiện sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp tiền phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Như vậy, tiền lãi chậm nộp phạt nguội = 0,05% x Tiền phạt lỗi phạt nguội x Số ngày chậm nộp phạt. Theo đó, ước tính lãi chậm nộp lên đến 18,25%/năm. 

TT (Tuoitrethudo)