Những điều đặc biệt của lốp xe đua F1

Ở tốc độ 300 km/h, xe F1 tạo sức ép tương đương 2,4 tấn lên mặt đường. Chịu ảnh hưởng lớn nhất từ áp lực ấy, là lốp xe.

Kể từ 2011, Pirelli là nhà cung cấp lốp xe độc quyền cho toàn bộ các đội đua F1. Một bộ gồm 4 lốp xe sẽ tiêu tốn khoảng 3.000 USD, chúng được chế tạo hoàn toàn bằng hệ thống robot module tích hợp (MIRS) để đảm bảo độ chính xác cao nhất, đồng thời rút ngắn công đoạn từ 14 xuống chỉ còn 3. Sau đó là một quá trình thử nghiệm kỹ thuật với quãng đường 100.000 km trải dài trên khắp thế giới để mô phỏng điều kiện mặt đường và nhiệt độ thực tế mà những chiếc F1 sẽ trải qua tại các chặng đua.

Qua được thử thách này, những bộ lốp Pirelli sử dụng riêng cho từng mùa giải sẽ đủ sức chịu đựng vận hành ở trạng thái khắc nghiệt nhất trong ít nhất 100 km với nhiệt độ tạo ra bởi ma sát có thể lên tới 140 độ C.

Cải tiến của thiết kế lốp cho mùa giải 2019

Pirelli cho biết, mùa giải mới sẽ chỉ còn 3 ký hiệu màu sắc được sử dụng cho 5 loại lốp mà các đội đua thường xuyên sử dụng. Màu trắng được sơn trên lốp có độ cứng lớn nhất, tương ứng loại C1, C2.

nhung dieu dac biet cua lop xe dua f1
Ký hiệu lốp xe F1 mùa giải 2019 từ mềm nhất (đỏ) đến cứng nhất (trắng)

Màu vàng sẽ xuất hiện trên lốp có độ cứng trung bình, C3, trong khi màu đỏ sẽ dành cho loại mềm nhất, C4, C5. Để phân biệt loại lốp cứng nhất và mềm nhất (C1 và C5), hãng Italy đã loại bỏ vòng tròn sơn trên 2 loại lốp này, thay vào đó, các vòng tròn sẽ được sơn trên loại C2, C3 và C4.

Một bước tiến quan trọng khác của năm nay là nhiệt độ tối đa tại 2 lốp sau loại có vòng tròn sẽ được giảm xuống còn 80 độ C, trong khi 2 lốp trước vẫn duy trì ở 100 độ. Điều này sẽ giúp nguy cơ xảy ra hiện tượng bong tróc giảm đi đáng kể, đặc biệt trong điều kiện nhiệt độ môi trường xung quanh thấp. Từ đó, áp lực tác động tới bánh sau cũng được triệt tiêu bớt.

Mặt khác, khi xe di chuyển ở tốc độ lên tới hàng trăm km/h và diện tích bề mặt tiếp xúc lớn nên nhà sản xuất phải luôn luôn tìm cách khiến những chiếc lốp hoạt động tối ưu ở mức nhiệt độ cao, đảm bảo chúng không bị quá nhiệt trong quá trình đua. Đối với mùa giải 2019, dải nhiệt độ hoạt động của lốp Pirelli trải dài từ 85 tới 140 độ C. Loại lốp càng cứng, mức chịu đựng nhiệt độ càng cao và ngược lại.

Thời gian thay lốp mỗi lần xe vào pit liên tiếp phá kỷ lục

Ở giải đấu mà sự đua tranh về thời gian lên tới phần nghìn giây như F1, đội ngũ kĩ thuật viên phụ trách việc thay lốp tại Pit Stop ngày càng áp lực. Họ là một nhóm thường gồm 20 người, tất cả ở vị trí sẵn sàng để lao vào chiếc xe với các thao tác diễn ra trong chớp mắt. Ngay khi tay đua dừng xe đúng vị trí, thân xe lập tức được nâng lên. Tại mỗi bánh xe sẽ có từ 3-4 người thực hiện tháo bánh cũ, đẩy bánh mới vào trục truyền động, siết chặt ốc. Việc duy nhất của tay đua là nhìn đèn hiệu phía trước chuyển sang xanh là đạp ga tức thì.

Kỷ lục mới nhất được thực hiện bởi đội Redbull Racing với chiếc xe đua của Max Verstappen. Họ chỉ mất vỏn vẹn 1.88 giây để thay toàn bộ 4 lốp cho chiếc RB15 tại chặng Grand Prix ở Đức, đánh dấu thành tích nhanh nhất từ trước tới nay trong lịch sử F1.

">

Ngay trước đó hai tuần, kỉ lục cũng thuộc về chính Aston Martin Redbull được xác lập tại chặng đua diễn ra tại Anh khi họ tốn 1.91 giây để tay đua người Pháp Pierre Gasly chuyển sang bàn đạp ga. Để đạt được những mốc thời gian "không tưởng" như vậy, đội ngũ của các đội đua đã phải luyện tập việc tháo lắp hàng nghìn lần trước khi cuộc đua bắt đầu.

Bí mật bên trong lốp xe

Trong một video chia sẻ trên tài khoản Youtube Drive61, Scott Mansell quyết định cắt chiếc lốp của Pirelli để khám phá cấu trúc bên trong. Anh phát hiện 3 cấu thành chính: tanh lốp, thành lốp và bề mặt tiếp xúc.

Tanh lốp là bộ phận có tiết diện dày nhất, bên trong chưa một vòng kim loại giúp định hình và gắn chặt lốp với mâm bánh xe. Nhưng như thế là chưa đủ để chiếc F1 thực hiện thao tác tăng tốc lên 160 km/h rồi dừng lại chỉ trong vòng vài giây. Chiếc lốp cần chịu được các tác động lớn hơn.

nhung dieu dac biet cua lop xe dua f1
Mặt cắt lốp xe F1

Trải đều bề mặt tiếp xúc ở giữa mặt cắt là phần kim loại chịu áp lực. Bộ phận này được ép giữa 2 lớp cao su mặt trong và mặt ngoài của lốp xe. Tổng cộng 3 lớp vật liệu chỉ dày cỡ 5 mm nhưng mang đến sự khác biệt rất lớn so với các loại lốp ôtô thông thường. Với công nghệ mới nhất, những chiếc lốp năm nay do Pirelli chế tạo có thể hoạt động ổn định tối đa sau quãng đường 120 km trước khi cần phải thay mới.

Điều này nghe có vẻ phi lý bởi các loại lốp thường ngày chúng ta sử dụng có tuổi thọ lên tới hàng chục ngàn km? Câu trả lời ở chỗ, gần như trong mọi thời điểm của cuộc đua, những chiếc F1 luôn lao đi ở vận tốc hàng trăm km/h.