Không nhiều mẫu xe có thể thuyết phục chủ mục của tôi bỏ tiền ra mua vé máy bay để tôi bay qua đại dương, vượt quãng đường 16.000 km vòng quanh thế giới để lái thử xe trong một ngày.
Tuy vậy, khi Rolls-Royce nói rằng chúng tôi, hay chính xác là tôi, có thể là người lái thử đầu tiên của mẫu xe điện đầu tiên của họ là Rolls-Royce Spectre, việc đầu tiên tôi làm là tìm xem mình cất hộ chiếu ở đâu.
Cuộc phiêu lưu bắt đầu…
Đó cũng là nguyên nhân cho việc tại sao tôi bất ngờ có mặt tại Cape Town, Nam Phi phía sau tay lái chiếc Rolls-Royce Spectre. Sau hành trình vòng quanh quốc gia châu Phi này, chiếc coupe trị giá 500.000 USD đã chứng minh rằng mình là một người bạn đồng hành mượt mà, yên tĩnh, mạnh mẽ hơn bao giờ hết với thiết kế có lẽ cũng không thua kém bất cứ dòng xe Rolls-Royce chạy máy V12 nào trước đây.
Thương hiệu xe siêu sang Anh Quốc đã gắn liền hình ảnh của mình với những khối động cơ khổng lồ trong nhiều năm qua, tuy nhiên bước tiến đầu tiên của họ vào phân khúc xe điện không hề có chút dè chừng hay e ngại mà thể hiện rõ sự quyết đoán, táo bạo. Spectre cho thấy dấu hiệu “đầu xuôi” cho một quá trình chuyển đổi suôn sẻ phía trước.
Trong 118 năm lịch sử của mình, Rolls-Royce chưa có dòng xe nào tốn kém để phát triển như Spectre, chưa kể những cơn đau đầu mà xe gây ra cho đội ngũ của họ. Số tiền chi tiết không được tiết lộ, tuy nhiên xe đã trải qua 5 giai đoạn thử nghiệm khác nhau với tổng quãng đường vận hành lên tới gần 2,5 triệu km tại Thụy Điển, châu Phi và Pháp.
Nam Phi, nơi tôi cầm lái thử phiên bản tiền thành phẩm của chiếc coupe điện, là điểm đến cuối cùng trong hành trình thử nghiệm xe ở cái nóng khắc nghiệt bậc nhất hành tinh.
Ngoại hình ấn tượng khó tả
Ngay từ cái nhìn đầu tiên, chiếc Rolls-Royce Spectre đỗ trên con đường đá cuội trong một vườn nho tại Cape Town đã mang lại cho tôi cảm giác ấn tượng khó tả. Dáng đứng bề thế tạo thành từ chiều rộng hơn 1,8 mét, chiều dài gần 5,5 mét lập tức gây ấn tượng cho người nhìn.
Tất nhiên, bên trong bộ khung đó vẫn là cỗ xe sang trọng tối thượng, những giá trị tốt nhất mà người dùng có thể bỏ tiền ra mua trên một chiếc ô tô chính hãng để thu về những trải nghiệm tiện nghi nhất. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa xe lố lăng, hào nhoáng thái quá, thay vào đó là nét tinh tế và phần nào đó là cả sự thận trọng của người Anh vẫn xuất hiện thoáng qua.
Vóc dáng fastback cong tròn tạo thành từ trần xe gây gợi nhớ tới Phantom Coupe - một mẫu xe khá hiếm của Rolls-Royce sản xuất trong giai đoạn 2008 - 2016 chứ không phải Wraith - dòng xe 2 cửa được coi là “tiền nhiệm tinh thần” của Spectre. Dù vậy, Rolls-Royce khẳng định họ phát triển “bóng ma” mới hoàn toàn độc lập không phụ thuộc vào bất kỳ dòng tên nào.
Lần đầu tiên tôi được dịp cầm lái và khám phá Rolls-Royce Spectre là tại Franschhoek cách Cape Town 80 km. Nước sơn Chartreuse tô điểm bởi bụi kim loại lấp lánh dưới ánh mặt trời châu Phi, bộ mâm 23 inch bề thế đầy vương giả cùng tản nhiệt phát sáng kéo dài khiến ai đi qua cũng phải ngoái lại nhìn.
2 cánh cửa khổng lồ dài 1,5 mét bên hông lớn tới mức phải có mô tơ điện đóng hộ người dùng (khi họ nhấn phanh) đơn giản vì vị trí tay cầm khá xa tầm với. Một điểm đáng chú ý là xe không có cốp trước như các dòng xe điện khác vì Rolls-Royce cảm thấy trang bị này không phù hợp với hình ảnh xe mang lại.
Nội thất đỉnh cao quen thuộc
Bước chân vào nội thất, những giá trị quen thuộc của Rolls-Royce lập tức hiện ra. Nét sang trọng và phong thái đĩnh đạc, tôn nghiêm trên Rolls-Royce Spectre không khác gì các dòng xe chạy động cơ đốt trong của họ.
Xuất hiện trên Rolls-Royce Spectre vẫn là những điểm cực kỳ đặc biệt của riêng hãng, chẳng hạn hiệu ứng làm giả hơi nước đọng lại trên thép viền hốc gió điều hòa mô phỏng giọt nước đọng lại trên những chai rượu champagne lạnh đã có trên xe Rolls-Royce vài thập kỷ, ô đặt tại cửa, thảm lông cừu siêu dày và êm ái hay “bầu trời sao” biểu trưng tạo thành từ hàng ngàn bóng đèn LED trên trần xe (nay còn được nối dài sang cửa bên).
Nếu phải kể ra các giá trị mà khách hàng Rolls-Royce coi trọng, tính đồng bộ chắc chắn là một trong số đó.
Đừng hy vọng dòng tên này sẽ có các đồ chơi công nghệ quá tân tiến như màn hình cỡ lớn hay công nghệ thực tế ảo, đơn giản vì Rolls-Royce không cần chạy đua công nghệ. Hay như chính lời CEO Rolls-Royce Torsten Muller-Otvos nói, khách hàng của hãng “có sẵn những lựa chọn khác trong garage của mình” nếu muốn tìm kiếm những đồ chơi kỹ thuật số hiện đại.
Bất chấp điều đó, không gian mà Rolls-Royce Spectre mang lại cho người dùng chắc chắn không thua bất kỳ chiếc xe điện nào khác trên thị trường hiện nay.
Trải nghiệm thượng lưu
So với các dòng xe Rolls-Royce khác, trải nghiệm trên Rolls-Royce Spectre thậm chí còn được nâng tầm vì đơn giản đây là xe điện. Sự yên tĩnh, êm ái bên trong cabin đi kèm khả năng vận hành mạnh mẽ. Liệu chủ nhân một chiếc xe siêu sang còn kỳ vọng gì hơn vào một “ốc đảo” của riêng mình trên 4 bánh?
Hệ truyền động của Rolls-Royce Spectre sử dụng 2 mô tơ điện cho tổng công suất 577 mã lực, mô-men xoắn 900 Nm. “Trái tim” này đủ mạnh mẽ để giúp chiếc coupe nặng tới 3 tấn phóng như bay (0 - 96 km/h trong 4,4 giây), tuy nhiên Rolls-Royce cũng đã làm rất tốt độ đầm và ổn định khi vào cua cũng như khả năng kiểm soát cân bằng khi đánh lái gấp.
Nếu có một điểm “nguy hiểm” trên Rolls-Royce, đó là người lái cần để ý tốc độ xe vận hành bởi khả năng tăng tốc tốt, phản hồi tức thời khi đánh lái và độ êm ái khó tin nhờ hệ thống treo “thảm ma thuật” danh tiếng có thể khiến họ không cảm nhận được chiếc xe mình điều khiển đang lướt đi như bay. Tuy vậy, tôi cũng có một lần gặp khó với Spectre khi phần mũi xe quá dài khiến việc xuống dốc có tầm nhìn ngay phía trước khá hạn chế.
Tầm vận hành của chiếc coupe điện, theo đo đạc từ EPA, là 420 km - một con số đủ ấn tượng so với trọng lượng 3 tấn của xe. Con số trên, theo chính hãng hé lộ, cũng là cực kỳ dư thừa khi biết rằng mỗi khách hàng của họ thường chỉ chạy xe tối đa 8.000 km mỗi năm tương đương khoảng 20 km/ngày.
Tất nhiên, Spectre cũng có khả năng sạc lại 80% pin trong 34 phút nhờ bộ sạc nhanh nếu người dùng cần. Theo tìm hiểu của Rolls-Royce, những người tỏ ý mua Spectre đều đã có ít nhất một chiếc xe điện khác trong garage cùng nguồn sạc công suất cao từ trước càng khiến việc tiếp cận Spectre với họ trở nên dễ dàng.
Những khách hàng của Rolls-Royce được CEO Torsten Muller-Otvos khẳng định là “tập khách hàng khó tính nhất thế giới”. Xét tới số tiền họ phải bỏ ra cũng như danh tiếng của Rolls-Royce, điều này là có thể hiểu được. Bởi lẽ đó, Spectre phải “hoàn hảo” ngay từ đầu, họ không thể dùng lý do “xe điện đầu tiên” để bao biện cho những thiếu sót mà xe có thể gặp phải.
Người dùng hiện đã có thể đặt cọc 20.000 USD để mua Rolls-Royce Spectre với lịch bàn giao dự kiến khởi động vào cuối 2023. Những khách hàng đặt mua xe đặc biệt với độ tùy biến cao có thể tới trực tiếp nhà máy của hãng tại Goodwood để nhận bàn giao.