Honda CR-V thế hệ thứ 5 ra mắt Việt Nam cuối năm 2017 là mẫu xe "lột xác" gần như hoàn toàn so với đời cũ. Thiết kế thay đổi, nội thất nâng cấp lên 7 chỗ ngồi và động cơ tăng áp khiến CR-V nhanh chóng thu hút sự chú ý. Nhờ vậy, mẫu xe này nhận được sự quan tâm lớn của khách hàng Việt khi lựa chọn một chiếc SUV/crossover 5+2 chỗ dành cho gia đình. Doanh số bán hàng đã chứng minh được điều đó khi trong năm 2019, Honda CR-V bán vượt Mazda CX-5 để đứng vị trí số 1 phân khúc về doanh số.
Cuối năm 2020, hãng xe Nhật Bản vừa bổ sung phiên bản nâng cấp facelift của Honda CR-V. Điểm nhấn trên bản nâng cấp giữa vòng đời của chiếc xe này đến từ gói an toàn cao cấp Honda Sensing với loạt tính năng hỗ trợ người lái. Tuy nhiên, CR-V mới dường như vẫn chưa thực sự làm thỏa mãn người dùng.
Bản nâng cấp Honda CR-V mới bán tại Việt Nam.
Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với anh Lê Đức Phong (Hà Nội), là người đang sở hữu Honda CR-V 2020, để tìm câu trả lời.
Chào anh Phong. Honda CR-V có phải chiếc xe đầu tiên anh sở hữu không? Nếu không thì trước đó anh đã sử dụng những dòng xe nào?
Gia đình có sử dụng tương đối nhiều dòng xe và bản thân tôi cũng thường xuyên cầm lái các xe như Toyota Vios, Corolla Altis cho đến Camry... Tuy nhiên, đây đều là những dòng xe sedan nên tôi muốn "đổi gió" để lên đời dòng xe gầm cao. Lựa chọn của tôi hiện giờ như anh đã thấy đó chính là Honda CR-V.
Khi lựa chọn một chiếc xe gầm cao, cảm nhận ấn tượng nhất đến từ khả năng quan sát thoáng đãng hơn hẳn khi ngồi lên vị trí lái so với các dòng sedan. Điều này giúp tôi cảm thấy việc căn đường, làm chủ không gian dễ dàng hơn. Đây rõ ràng là lợi thế của xe SUV hay crossover và cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến quyết định chọn CR-V của tôi.
Trong cùng phân khúc CR-V có khá nhiều lựa chọn khác với mức giá trên dưới 1 tỷ đồng? Tại sao anh lại chọn chiếc xe này?
Trong tầm giá 1 tỷ đồng hiện nay có rất nhiều lựa chọn. Nói về sedan thì Toyota Camry là lựa chọn thiên về lịch lãm, nếu phải đi tiếp khách nhiều thì đây là chiếc xe phù hợp. Nhưng tôi đã chạy nhiều dòng xe sedan rồi và giờ muốn đổi lên xe gầm cao nên khi đó bỏ qua luôn Camry.
Ở phân khúc crossover, rõ ràng cũng không thiếu cái tên đang để người dùng quan tâm và tôi cũng vậy, như Mazda CX-5 hay Hyundai Tucson...
Tôi đã trải nghiệm khá nhiều Mazda CX-5 của một người bạn và không thấy phù hợp với chiếc này cho lắm. Đầu tiên thì đây là chiếc xe có vô-lăng nhẹ, ngay cả khi chạy ở dải tốc độ cao cũng không siết chặt như mong muốn. Tiếp theo, CX-5 mang đến cảm giác hơi chòng chành khiến tôi không cảm nhận được sự an toàn ở hệ thống khung gầm của xe. Khi vào cua ở dải tốc độ 40-50 km/h trở lên, cảm giác đó càng trở nên rõ nét hơn.
Cũng ở dải vận tốc này, CR-V mang đến cho tôi những trải nghiệm khác biệt. Mẫu xe này có khung gầm tốt, ổn định và ôm cua rất chắc. Đồng thời, sự phản hồi từ bánh xe đến vô-lăng rất tức thời giúp tôi đưa ra những quyết định chính xác nhất.
Ngoài ra, CX-5 là chiếc xe 5 chỗ nên tôi đã chọn CR-V với 5+2 chỗ để có thể linh hoạt tùy từng hoàn cảnh. Nhiều lúc hàng ghế thứ 3 cũng là phương án "chữa cháy" hiệu quả của CR-V. Nếu không dùng 2 ghế cuối, hoàn toàn bạn có thể tận dụng thành khoang chứa đồ rộng rãi chẳng thua kém xe 5 chỗ.
Sau khi mua xe, anh sử dụng chiếc CR-V vào mục đích gì và tần suất sử dụng ra sao?
Honda CR-V là phương tiện di chuyển hàng ngày của tôi và thay thế hoàn toàn xe máy. Đi ô tô ở Hà Nội có đôi chút vất vả vào giờ cao điểm, nhưng nhìn chung tôi cũng không gò bó về thời gian nên việc di chuyển bằng phương tiện này cũng trở thành thói quen.
Bên cạnh đó, do tính chất công việc thường xuyên phải đi tỉnh nên có chiếc ô tô cũng nhàn hơn rất nhiều. Cùng với đó, thỉnh thoảng có thời gian cuối tuần tôi lại cùng bạn bè hoặc gia đình đi chơi nên có xe rất thuận tiện.
Anh có khen khả năng vận hành của CR-V. Thêm nữa là CR-V đã có công nghệ an toàn hiện đại như Honda Sensing để giúp tài xế rảnh tay hơn. Thường xuyên phải đi tỉnh, vậy trải nghiệm cảm giác lái đường dài thế nào, thưa anh?
Có thể nói, CR-V là một chiếc xe mang đến cảm giác lái khá tốt. Cầm vô-lăng chạy 200 km mà tôi cũng không cảm thấy chán hay mệt mỏi. Điều này ngược lại hoàn toàn với việc lái một chiếc sedan trên cùng cung đường dài như vậy.
CR-V là chiếc xe lái hay trong phân khúc.
Tôi thường nói vui với bạn bè, chạy CR-V với tốc độ 120 km/h ở đường cao tốc Việt Nam vẫn hơi chậm và muốn đạp lên nữa vì chiếc xe này vẫn dư thừa sức mạnh. Tuy nhiên, mình vẫn phải đi đúng tốc cho phép để đảm bảo an toàn giao thông.
Thêm nữa, như đã nói ở trên, CR-V có khung gầm ổn định giúp việc đánh lái, vào cua trở nên dễ dàng hơn. Người ngồi trong xe không có cảm giác chòng chành dễ say xe. Độ phản hồi của vô-lăng khá tốt.
Không những vậy, với hệ thống an toàn Honda Sensing, tôi lái xe nhàn hơn rất nhiều. Khi chạy cao tốc, chỉ cần cài đặt chế độ ga tự động thích ứng là chiếc xe của tôi đã tự động bám đuôi và giữ khoảng cách với xe phía trước. Với những ngày mệt mỏi với công việc thì tính năng này thực sự hữu ích, giúp mình nhàn đầu hơn. Tôi chỉ cần tập trung vào vô-lăng và sẵn sàng chân phanh khi cần thiết.
Vậy còn điểm nào anh cảm thấy chưa hài lòng về chiếc CR-V này?
Có lẽ cũng có nhiều người chung quan điểm với tôi rằng CR-V là chiếc xe ồn nhất phân khúc. Điều này vốn dĩ là "đặc sản" của các dòng xe Honda và CR-V cũng bị ảnh hưởng bởi "gen di truyền" này, trải qua nhiều thế hệ vẫn chưa thay đổi.
Khi chạy cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, chỉ khoảng 100 km/h trên là tiếng ồn vọng vào khoang cabin khá rõ rệt. Với mặt đường ở cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tôi chỉ chạy khoảng 40-50 km/h đã cảm thấy "ong đầu" và lúc này phải bật nhạc cỡ 11-12 để át đi tiếng ồn.
Một điểm khiến tôi khá phiền toái với công nghệ của CR-V 2020 là chiếc xe nhận diện nhầm vật thể phía trước. Cụ thể, ở một số đoạn đường có nắp cống nhô lên mặt đường khoảng 3-4 cm khiến cảm biến nhận diện nhầm vật cản có thể va chạm với xe. Do đó, âm thanh cảnh báo xuất hiện, đồng thời xe tự phanh khi tiến lại gần hơn. Đây là mặt trái của công nghệ chưa hoàn thiện tốt và gây ra đôi chút khó chịu cho tôi.
Thêm nữa, xi-nhan lề hiển thị điểm mù bên phải của CR-V (Lanewatch) không thực dụng với cuộc sống hàng ngày. Với nhiều người và cả tôi nữa, tôi gần như không sử dụng hệ thống quan sát điểm mù qua màn hình như thế này. Thay vào đó, tôi ưu tiên nhìn trực tiếp qua gương bởi sẽ dễ dàng quan sát và có cảm giác chính xác hơn. Nếu nhà sản xuất nâng cấp lên camera 360 độ có lẽ phù hợp hơn với điều kiện vận hành thực tế tại Việt Nam.
Xi-nhan quan sát điểm mù không thực dụng.
Nói tóm lại, Honda CR-V là chiếc xe mang đến cho tôi trải nghiệm lái khó có thể chê so với tầm tiền khoảng 1 tỷ đồng. Có điều, nếu xe cải thiện khả năng cách âm, công nghệ tối ưu và thực dụng hơn thì có lẽ chẳng biết chê CR-V ở điểm gì nữa rồi! Khi đó, các xe như CX-5 hay Tucson sẽ phải dè chừng nhiều đó.
Cảm ơn anh với những chia sẻ trên. Chúc anh có thêm nhiều trải nghiệm mới mẻ cùng Honda CR-V!