Ngày càng có nhiều đội nhóm "siêu nhân" ngâm mình dọn rác, hồi sinh kênh đen khắp TP.HCM

Những dòng kênh đen ngòm, hôi thối đầy rác thải, kim tiêm... bỗng chốc trở nên sạch sẽ hơn dưới sự chung tay của các nhóm bạn trẻ. Không chỉ 1, 2 mà hiện tại đã có rất nhiều nhóm tham gia dọn rác, tạo nên cơn sốt về ý thức bảo vệ môi trường, lan tỏa trên các nền tảng mạng xã hội.

Suốt nhiều tháng qua, hành trình "biến hình" kênh rạch ô nhiễm của nhóm Sài Gòn Xanh, Khát Vọng Xanh, Bình Dương Xanh và rất nhiều đội nhóm khác đã tạo nên cơn sốt về ý thức bảo vệ môi trường, không chỉ lan tỏa trên các nền tảng mạng xã hội mà còn huy động được một lực lượng hùng hậu giới trẻ tham gia vào việc dọn rác, làm sạch môi trường.

Những dòng kênh đen được thay áo mới nhờ làn sóng người trẻ "biến hình" dọn sạch rác - Ảnh 1.

Làn sóng người trẻ biến hình thành "siêu nhân dọn rác" đã và đang lan tỏa khắp nhiều tỉnh/thành, rất nhiều nhóm bảo vệ môi trường đã ra đời

Lấy cảm hứng từ nhóm Padawara ở Indonesia, cuối năm 2022, Nguyễn Lương Ngọc và Hồ Văn Vỹ đã quyết định đi dọn rác ở trên đường. Sau khi để ý thấy nhiều kênh rạch có nhiều rác thải, cả 2 đã thành lập nhóm Sài Gòn Xanh và bắt đầu thực hiện, mặc kệ sự bàn tán của nhiều người về việc làm không giống ai.

Trong khi đó, Khát Vọng Xanh được anh Trần Xuân Tuyền cùng với một số người bạn thành lập từ đầu năm 2023 để cùng chung tay dọn sạch những kênh rạch ô nhiễm, bắt đầu tại TP.HCM. Sau nhiều tháng hoạt động, từ 1-2 nhóm ban đầu, hành trình dọn rác, làm sạch môi trường đã lan tỏa khắp mọi nơi khi ở các tỉnh/thành như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận... đều hình thành các nhóm "Xanh" để chung tay bảo vệ môi trường.

Mặc dù mỗi lần đi dọn rác rất mệt và đối mặt với nhiều nguy hiểm, ngâm mình nhiều tiếng đồng hồ dưới những dòng kênh đen ngòm, hôi thối nhưng các bạn trẻ nhóm Sài Gòn Xanh đều rất hứng khởi, hạnh phúc khi bản thân đã góp một phần công sức vào việc bảo vệ môi trường

Tại TP.HCM, trải qua khoảng thời gian khó khăn ban đầu khi thành lập các đội nhóm dọn rác, hiện nay trên nền tảng mạng xã hội TikTok, nhóm Sài Gòn Xanh đã có hơn 2.5 triệu lượt người theo dõi, trong khi đó con số của Khát Vọng Xanh cũng đạt hơn 1.1 triệu người. Những clip, hình ảnh được các đội nhóm đăng tải cũng nhận về số lượt tương tác hàng triệu người, nhiều bạn trẻ cũng đã gia nhập nhóm, hăng hái tham gia các hoạt động làm sạch môi trường không chỉ ở TP.HCM mà tại các tỉnh lân cận.

Những dòng kênh đen được thay áo mới nhờ làn sóng người trẻ "biến hình" dọn sạch rác - Ảnh 3.

Mặc dù đã trang bị đồ bảo hộ, dùng 3 lớp găng tay gồm: găng tay y tế, găng chống cắt, chống nước... nhưng đôi lúc một số thành viên trong nhóm cũng gặp sự cố bị vật nhọn cắt vào tay. Theo các thành viên trong nhóm Sài Gòn Xanh, mọi người hi vọng với những việc mà nhóm thực hiện sẽ trở thành một làn sóng đánh thức tinh thần về bảo vệ môi trường trong cộng đồng, để các góc phố, con kênh đều sạch đẹp.

Mỗi buổi ra quân thực hiện dọn kênh rạch kéo dài từ 6-7 tiếng, có những ngày vì số lượng rác nhiều, địa hình kênh rạch gây trở ngại, 10-12 tiếng nhóm mới hoàn thành xong công việc, thậm chí những nơi nhiều rác, nhóm phải ở 3-5 ngày để dọn sạch núi rác khổng lồ, trả lại môi trường sạch đẹp cho người dân. Đến nay, đã có hàng trăm con kênh rạch, bờ biển hôi thối đã được các nhóm tình nguyện tìm đến và dọn sạch.

Chia sẻ với chúng tôi, Hồ Văn Vỹ (nhóm Sài Gòn Xanh) cho biết: "Sau khi dọn xong một con kênh, tụi em có quay lại thì cũng thấy người ta vứt rác nhưng nó ít hơn. Em nghĩ vấn đề ý thức người dân cũng không thể thay đổi ngày 1 ngày 2 được mà về lâu dài. Tụi em vẫn sẽ tiếp tục công việc của tụi em rồi kết hợp tuyên truyền nhiều hơn để mong một phần nào đó giúp người dân ý thức trong việc bảo vệ môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định".

Sau mỗi buổi dọn rác, dù ngâm mình dưới dòng nước hôi thối nhưng các bạn trẻ không ngần ngại, tiếp tục đăng ký tham gia vào các buổi dọn rác tiếp theo. Điều mà nhóm bạn trẻ lo sợ chính là sau mỗi lần dọn sạch rác, liệu người dân có tiếp tục xả rác nữa hay không hay đã nâng cao ý thức bảo vệ môi trường?

Đồng quan điểm, anh Trần Xuân Tuyền (nhóm Khát Vọng Xanh) mong mỏi: "Mỗi người dân là một nhóm, không vứt rác, xả rác bừa bãi nữa thì rác thải sẽ không còn, kênh rạch không bị ô nhiễm, tắc nghẽn. Chỉ cần ra đường thấy rác, mọi người có thể nhặt bỏ đúng nơi quy định. Mình cũng hi vọng các nhóm dọn rác ngày một nhiều, 63 tỉnh thành đều có nhóm hoạt động bảo vệ môi trường, kết hợp cùng nhau để lan tỏa nhiều hơn".

Những dòng kênh đen được thay áo mới nhờ làn sóng người trẻ "biến hình" dọn sạch rác - Ảnh 5.

Anh Trần Xuân Tuyền mong là mỗi người dân trở thành một nhóm, tự ý thức trong việc bảo vệ môi trường

Có thể nói, từ những ý tưởng ban đầu về việc dọn rác, làm sạch môi trường, các nhóm bạn trẻ đã cùng nhau "biến hình" rất nhiều kênh rạch, nơi ô nhiễm ở mọi miền đất nước trở nên sạch đẹp hơn. Đồng thời, thông qua những đoạn clip, hình ảnh được các nhóm bạn trẻ ghi lại, ý thức bảo vệ môi trường cũng đã lan tỏa đến tất cả mọi người. Hi vọng và mong chờ, một ngày các tuyến đường, khu phố, những con kênh rạch sẽ không còn ô nhiễm, môi trường sống luôn được trong lành, thoải mái.

Mong là những việc làm của các nhóm bạn trẻ sẽ lan tỏa ngày một rộng rãi hơn nữa để môi trường ngày một sạch đẹp hơn!

“Giải thưởng thành động vì cộng đồng - Human Act Prize” do báo Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.

Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.

Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị và Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động, tính lan tỏa.

Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!

Website chính thức: https://humanactprize.org

Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize