Thực chất mà nói, sẽ rất hài hước nếu ai đó nói rằng: “Tôi là tay đua chuyên nghiệp”. Nguyên nhân cực kỳ đơn giản bởi nếu ai đó muốn làm Đại tá quân đội thì cần được Bộ Quốc phòng phong danh hiệu chứ không thể chỉ chạy đi mua huân huy chương cầu vai, xong xông ra đường hét lên “Tôi là Đại tá”.
Ở Việt Nam, rất tiếc chưa có hiệp hội đó, nhưng vì Vingroup tổ chức giải đua xe F1 ở Việt Nam nên hiệp hội ấy bắt buộc phải có… thế mới đen.
Ở góc nhìn cá nhân tôi, Vingroup là ân nhân vì đem đến Hiệp hội đua xe ô tô, cơ quan quản lý đua xe, và vì đó chúng ta sẽ có đua xe ô tô đúng kiểu… chuyên nghiệp. Vì vậy, các bạn trẻ phần nào sẽ thấu hiểu nếu tôi khen xe Vinfast.
Giải đua xe địa hình đối kháng Knock Out The King (KOK) diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 29 và 30/6/2019. Ảnh: từ fb Nguyễn Anh Tú
Quay lại với các tay đua trẻ, việc họ làm để trở thành chuyên nghiệp hiện tại có vẻ như chỉ là lên taobao mua bộ quần áo, ra phố Huế làm cái mũ bảo hiểm cho xe máy (nhưng họ thường quên mua giày và găng), xong diện lên người và chụp ảnh. Những tay đua mặc quần áo có vẻ giống đua xe và đi giày Nike là hình ảnh thường thấy trong đua xe Việt Nam. Những hình ảnh này thực ra mà nói với người Việt Nam rất bình thường, nhưng với những tay đua nước ngoài thì lại rất…buồn cười.
Tôi ngày xưa cũng thế. Những năm 2014-2016, tôi cũng tràn đầy nhiệt huyết như giới tay đua trẻ bây giờ và tôi cũng đã muốn trở thành tay đua chuyên nghiệp. Tuy nhiên, từ gần nhất mà tôi hay dùng cho Redline chỉ là “tỏ ra chuyên nghiệp”.
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, tôi thấy việc “trở thành chuyên nghiệp” ở Việt Nam là không khả thi khi chưa có ASN - cơ quan quản lý và các bộ luật liên quan. Vì thế, tôi đã dành nhiều thời gian để cố gắng đào tạo ra những con người để chuẩn bị đón chờ cơ quan quản lý đua xe của Việt Nam. Lúc đó, thực chất chúng tôi đã đi trên con đường mà không thấy điểm đến. Nhưng rất may, Vingroup tổ chức giải đua xe F1 tại Hà Nội và chúng ta đã thấy đích đến.
Số người có bằng đua xe ở Việt Nam có thể nói chỉ đếm trên đầu ngón tay. Họ không thể có nó ở Việt Nam mà phải đạt được ở nước ngoài. Trong khi đó, việc ra nước ngoài học đua xe đòi hỏi các chi phí rất lớn và không phải ai cũng biết cách, cũng như đủ thời gian và tiền bạc.
Thông thường, để đạt được bằng đua xe, bạn phải đi học đua xe. Không có chuyện “Em giỏi rồi, em đua suốt, em nhất đây này…” với bộ luật đua xe. Một cuộc thi lý thuyết khó như thi bằng B2, khám sức khỏe và phần thực hành trên đường đua, sẽ quyết định bạn có khả năng tham gia đua xe hay không?
Lúc này, bạn sẽ có bằng hạng B với bộ môn chơi cụ thể, ví dụ off-road thì đừng mơ mang vào Circuit racing mà chạy. Bạn chỉ có thể tham gia các giải hạng nho nhỏ như dưới 1.600cc, giải dạng CLB…
Muốn nâng cấp lên những hạng lớn hơn và tốc độ cao hơn, bạn sẽ cần tốn nhiều thời gian để thi đấu ở những giải nhỏ. Tại các quốc gia ở châu Á thường sẽ chỉ quy định nếu bạn có thành tích Top 3 ở các cuộc thi nhỏ 3 lần trong 2 năm, bạn có thể nâng hạng. Trong trường hợp bạn cứ về cuối ở các cuộc thi nho nhỏ mãi, tốt nhất hãy luyện tập chăm chỉ cho giỏi thì hãy lên hạng.
Sau khi đi qua nhiều hạng bằng đua xe và quan trọng phải về đích ở vị trí cao trong nhiều giải, bạn có thể trở thành tay đua QUỐC TẾ với bằng hạng C - được FIA công nhận.
AAM – cơ quan quản lý của Malaysia cấp ra đến 250 dạng bằng đua xe, phân chia nhiều cấp bậc và bộ môn. Mỗi môn sẽ mất tầm 250 USD để thi, cũng như hơn 100 USD để duy trì hàng năm.
AAM cũng quản lý các đội đua. Ngay cả khi anh có nhiều tiền, anh muốn có đội đua, anh cũng cần đạt các quy chuẩn về việc thành lập đội và tất nhiên anh vẫn cần các tay đua có giấy phép đua xe cho đội đua của mình. Không có chuyện “vì nó là em tôi” ở đây.
Tay đua Nguyễn Anh Tú giành ngôi vô địch chặng đầu tiên giải đua KOK 2019
Quay trở lại với nhà vô địch Nguyễn Anh Tú, cũng như những nhà vô địch hay các tay đua mong muốn vô địch khác: Tất cả những gì họ nên làm bây giờ là mua những bộ quần áo đúng chuẩn FIA, mũ bảo hiểm chuẩn FIA…và ngồi chờ, đừng vội chụp ảnh. Điều cần ghi nhớ là chuẩn FIA không bắt buộc trong tất cả các giải đua, nhưng nó sẽ bắt buộc trong các giải đấu quốc tế nằm trong hệ thống.
Thông thường, các tay đua sẽ nhìn thấy thương hiệu Sparco trên cánh cửa xe trong các giải đua và cố gắng mua đồ Sparco cho xịn. Có một cậu học sinh khoe một cái mũ Sparco giá 125 USD đặt trên eBay rất đẹp, trên tem ghi chữ “ECE”. Cậu quá để ý đến ngoại hình mà quên mất chuẩn ECE là chuẩn ban hành cho dân chạy xe máy tay ga cỡ nhở Scooter - có phải FIA đâu.
Một tin buồn nữa là ngay cả các giải FIA, yếu tố công bằng từ góc nhìn của người chơi cũng sẽ rất hạn chế. Một tay đua off-road nổi tiếng cũng không thể cố gắng thay đổi bất kỳ điều lệ nào về an toàn của giải. Ông là ai? Người chơi ư? Vậy tốt nhất ông chơi đi, đừng góp ý!
Còn ở góc nhìn kỹ thuật, các giải đấy rất rõ ràng và rành mạch về điều lệ. Sẽ không có chuyện tay đua nhất vòng Canada lại điềm nhiên lĩnh giải ở vòng Áo để BTC có thể làm vừa lòng nhà tài trợ.
Tuy nhiên, vẫn có tin vui là Hiệp hội sẽ không quản lý và áp chuẩn cho các cuộc đua dạng phong trào. Vì vậy, vẫn có sân khấu mở dành cho người muốn chơi không sâu. Còn ở mức chuyên nghiệp - nếu như muốn thế - hãy cố gắng liên tục trong vài năm. Ở cuộc chơi này, chỉ có thể bắt đầu leo kim tự tháp từ dưới chân của nó, còn leo cao đến đâu là do chính bạn.
Độc giả Vinh Nguyễn KenhTinXe.Com
Ảnh: từ fb Nguyễn Anh Tú