Người tiêu dùng đã ứng trước niềm tin cho hãng xe Việt, ý thức được điều này khi ông Phạm Nhật Vượng phát biểu trong lễ khai trương nhà máy: "Tôi thực sự xúc động và xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến tất cả các khách hàng đã đặt mua ôtô VinFast. Niềm tin và sự ủng hộ của quý vị dành cho chúng tôi quá lớn, chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực không ngừng để khẳng định đẳng cấp và vị trí của thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế, để không làm phụ lòng quý vị".
Cuối năm 2018 khi thị trường ôtô "lên đỉnh" do nhu cầu tăng cao, nhiều mẫu xe mới được đưa ra giới thiệu thì cũng là lúc các đại lý xe tại Việt Nam tăng cường vớt lợi nhuận, từ Ford Explorer đến Honda CR-V, Hyundai Santa Fe, Mitsubishi Xpander, Toyota Fortuner. Muốn mua xe sớm khách hàng phải bỏ thêm ít nhất như Mitsubishi từ 20-30 triệu đồng đến cao nhất như Hyundai SantaFe 100-150 triệu đồng mua thêm phụ kiện. Lúc đó người ta ước gì Việt Nam có một hãng xe của mình làm đối trọng, để người tiêu dùng không phải chịu chênh giá.
14/6, nhà máy của hãng xe Việt ra đời với diện tích trên 500.000 m2, trong tổ hợp 335 ha với đầy đủ các phân xưởng từ cắt, dập, hàn, sơn, động cơ, lắp ráp và phụ trợ. Trong đó, một số xưởng có quy mô và độ hiện đại đầu tiên tại Việt Nam như xưởng dập tấm lớn đầu tiên (20 tấm thân vỏ chính); xưởng động cơ đầu tiên - đánh dấu kỷ nguyên gia công sang làm chủ chuỗi sản xuất.
Nhưng thực tế không phải tất cả đều màu hồng, người tiêu dùng Việt Nam không trung thành với thương hiệu, họ chỉ trung thành với trải nghiệm của chính họ mà thôi. Đó chính là thách thức đối với hãng xe non trẻ như VinFast. Nếu tạo ra được giá trị và trải nghiệm tốt cho khách hàng thì họ sẽ trung thành, bằng không sẽ gặp khó.
Nếu như các hãng xe Đức nổi tiếng về độ xa xỉ và khả năng vận hành, hãng Volvo Thuỵ Điển nổi tiếng về độ an toàn, xe Nhật nổi danh về độ bền và kinh tế, xe Hàn gắn liền với khái niệm giá trị trong tầm giá với rất nhiều option của xe sang trong mức giá bình dân thì hãng xe Việt đang chưa rõ rệt trong cách định vị thương hiệu.
Vừa có xe sang, vừa có xe bình dân, trong khi hai model Lux có gốc gác châu Âu thì Fadil lai một chút Âu, một chút Hàn, một chút Mỹ. Về giá cả thì Lux SA có giá nguyên bản công bố cao hơn hẳn SUV của Nhật và Hàn, chỉ thua SUV của Đức cùng phân khúc D. Lux A thì giá nguyên bản ngang bằng với các đối thủ Nhật cùng phân khúc trong khi Fadil giá nguyên bản cũng cao hơn các đối thủ Nhật và Hàn Quốc vốn đang chiếm thế thượng phong. Khi hết giai đoạn trợ giá, mức giá trở về nguyên bản như công bố thì có thể không còn lợi thế cạnh tranh về giá nữa.
Vui mừng: Tinh thần làm việc không kể ngày đêm, nói được, làm được mang đến sự tin tưởng lớn lao của người tiêu dùng. Ngoài ra với một nhà máy sản xuất hiện đại, công tác nghiên cứu, phát triển các mẫu xe nhanh kỷ lục, hãng còn mang đến một niềm tự hào cho công nghiệp ôtô Việt Nam.
Hy vọng: Người ta hy vọng rằng Lux SA và Lux A sẽ tốt và mong chờ nhiều model sẽ giới thiệu trong thời gian tới. Người ta cũng hy vọng một chính sách bán hàng minh bạch, không có bia kèm lạc và một dịch vụ hậu mãi tốt đi kèm.
Băn khoăn: Giá cả đang là sự băn khoăn lớn nhất của người tiêu dùng. Nếu giá hiện tại của mỗi dòng xe đã cao so với các xe trong phân khúc thì giá nguyên bản mà sau ngày 1/9 sẽ thực hiện còn cao hơn nữa so với kỳ vọng.
Ít nhất lúc này người Việt đã ứng trước niềm tin cho xe của VinFast, việc còn lại của hãng là tạo ra những sản phẩm để không phụ niềm tin đó.
Độc giả Phạm Vũ Tùng (Báo điện tử VnExpress.net)