Ước mơ của Ford và câu nói của Edison
Vào cuối thế kỷ 19, nhà tư bản công nghiệp người Mỹ Henry Ford là một doanh nhân trẻ với ước mơ vĩ đại: Muốn tạo ra ô tô có giá thành phù hợp với túi tiền của hầu hết gia đình. Ông biết mình phải tìm cách giảm giá thành để chiếc xe tương đương với chi phí mua một con ngựa và cỗ xe.
Vì cần được hỗ trợ tài chính, ông đã đến ngân hàng J.P.Morgan, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, để xin vay tiền. Yêu cầu của ông bị ngân hàng từ chối. Ý tưởng của ông cũng bị rất nhiều người chế nhạo.
Trong lúc chán nản và không biết phải tiếp tục như thế nào, Ford trình bày ý tưởng của mình với sếp, Thomas Edison. Edison nhìn thấy tài năng của Ford và nói: "Này chàng trai trẻ, cậu thật sự có tố chất! Cậu sở hữu một ý chí biết tự vươn lên! Hãy giữ vững nó!"
Lời động viên đó đã thay đổi cuộc đời Ford và thay đổi cả thế giới. Mặc dù thất bại trong hai lần thử nghiệm đầu tiên, nhưng sau cùng Ford đã chế tạo và ra mắt Ford Model A bản đầu tiên, một mẫu xe rất được ưa chuộng. Và ông đã tặng chiếc xe đầu tiên xuất xưởng cho Edison, người đã khơi dậy ngọn lửa giúp Ford thành công.
Suốt nhiều năm, họ và những nhà sáng chế khác đã đi cắm trại cùng nhau, chia sẻ ý tưởng, thử nghiệm những phát minh mới và đơn giản là trò chuyện với nhau. Những cuộc trò chuyện này đã tiếp thêm dũng khí để Ford theo đuổi ước mơ của mình, ngay cả sau nhiều lần thất bại.
Bài học: Tư duy "công kích" tiềm năng của người khác
Trong cuộc đời bạn, có ai quan tâm bạn đến mức tạo được mối gắn kết cá nhân như thế, cũng như dành thời gian chỉ để trò chuyện với bạn, truyền cảm hứng, hướng dẫn hay thậm chí là sửa sai cho bạn? Người đó có thể là một người thầy của bạn? Một người bạn? Huấn luyện viên? Hoặc có thể đó là một người thân trong gia đình? Người sếp đầu tiên của bạn, hay thậm chí là một đồng nghiệp?
Thực tế, có những người không nhất thiết đóng vai trò sếp "chính thống" nhưng có khả năng khai phóng tiềm năng nơi người khác. Họ đơn giản chỉ là một người biết quan tâm, biết dành thời gian cho người khác, biết nhận ra tiềm năng đang chờ được khai phóng của mọi người xung quanh, như Edison đã làm với Ford.
Dưới sự quan tâm của những nhà lãnh đạo khai phóng, đôi khi cấp dưới cảm nhận được cảm giác đau nhói khi nhận một lời quở trách nhẹ nhàng (hoặc không mấy nhẹ nhàng) từ họ, nhưng sẽ luôn nỗ lực để đạt được chuẩn mực mà nhà lãnh đạo đặt ra, vì thế mà không ngừng tiến bộ.
Người được khai phóng hiểu rằng trách nhiệm của mình rất nặng nề và khả năng thất bại trước khi đạt được bất kỳ thành quả đáng kể nào là rất cao. Nhưng họ cũng hiểu rằng nhà lãnh đạo khai phóng sẽ luôn hỗ trợ họ trên từng chặng đường, tháo gỡ chướng ngại để khai thông con đường tiến đến thành công và tiếp tục nâng cao trình độ của mình.
Mẫu xe Model T năm 1908 trước nhà máy trên Piquette Avenue
3 cuộc trò chuyện ‘kích hoạt tiềm năng’
Trong cuốn sách "Kích hoạt tiềm năng" (Talent Unleashed), các tác giả có nhắc tới 3 "cuộc trò chuyện" giúp cho các nhà lãnh đạo khai phá và kích hoạt tiềm năng đội ngũ nhân viên của mình. Đây là một cẩm nang toàn diện và chi tiết, đồng thời cũng hết sức đơn giản về khai phóng tiềm năng con người.
Trong đó, "cuộc trò chuyện về tiếng nói" giúp nhân viên mở lòng về đam mê, hoài bão, điều họ khát khao nhất, cũng như điều thật sự quan trọng với họ. "Cuộc trò chuyện về tính hiệu quả" giúp sếp và nhân viên nói về hiệu quả công việc một cách trung thực, rõ ràng, đi đến các thỏa thuận về mục tiêu, quy trình, khả năng hoàn thành trách nhiệm, phần thưởng… Cuối cùng, trong "cuộc trò chuyện về khai thông", nhà lãnh đạo đóng vai trò như cố vấn hoặc nhà đào tạo, tin tưởng trao trách nhiệm cho nhân viên, đồng thời dang tay "giải quyết những lo ngại của họ và giúp tháo gỡ chướng ngại để họ có thể thành công".