Gặp ông bố tự chế siêu xe gỗ trăm triệu đồng: 'Thực ra mình đang dùng trí tuệ của người khác nên không thể làm xe để bán được'

“Làm xe gỗ trăm triệu đồng”, “Ông bố trẻ chế tạo siêu xe Bugatti Centodieci tặng con trai” hay thậm chí được nữ reviewer người Mỹ Supercar Blondie với 36 triệu người theo dõi trên toàn thế giới khen ngợi, anh Trương Văn Đạo đã được nhiều người biết tới trong việc sử dụng gỗ để chế tạo không chỉ xe mô hình trưng bày, mà còn tiến tới làm những mẫu xe có kích thước lớn hơn.

Chào anh Đạo, anh có thể chia sẻ cơ duyên nào khiến anh bỏ thời gian và công sức làm mô hình gỗ?

Chào các bạn, cơ duyên tới với việc làm xe gỗ của mình cũng không có gì đặc biệt, vì mình vốn xuất thân là một thợ mộc nhưng cũng thích làm Youtube. Ban đầu mình làm những sản phẩm nhỏ, sáng tạo lên Youtube nhưng sau dần mình nghĩ: “Tại sao mình không làm những gì mà con mình có thể chơi được?”. Từ đó mình bắt đầu thực hiện những mẫu mô hình bằng gỗ, sau đó nâng dần lên những mẫu xe mà hai cha con mình có thể ngồi vào và đi trong công viên.

Gặp ông bố tự chế siêu xe gỗ trăm triệu đồng: Thực ra mình đang dùng trí tuệ của người khác nên không thể làm xe để bán được - Ảnh 2.

Vậy tại sao lại là gỗ mà không phải vật liệu khác và gỗ có ưu/nhược điểm gì trong quá trình thực hiện?

Vì mình sinh ra và lớn lên trong làng quê làm mộc nên gỗ dường như ăn sâu vào tiềm thức, tâm trí của mình rồi nên mình nghĩ, tất cả mọi thứ đều có thể làm từ gỗ. Gỗ có thể đục trảm tất cả mọi thứ và vân gỗ cũng khá là đẹp. Còn làm với kim loại thì bạn có thể thấy, các nhà máy ô tô họ phải có cả một dây chuyền sản xuất khủng khiếp họ mới làm ra được. Còn với gỗ, mình chỉ cần những dụng cụ đơn sơ. Thế nhưng, chất liệu gỗ đa phần chỉ để làm đồ trưng bày, hay đồ nội thất vì nặng và cũng không bền như kim loại. Tất nhiên trong quá trình làm, bản thân cũng hiểu chạy những chiếc xe mình đang thực hiện ra đường sẽ làm mất an toàn giao thông, nên trong quá trình mình làm cũng tiết chế cũng như giới hạn tốc độ, thậm chí gọi là ô tô chứ tốc độ còn chậm hơn cả đi bộ.

Gặp ông bố tự chế siêu xe gỗ trăm triệu đồng: Thực ra mình đang dùng trí tuệ của người khác nên không thể làm xe để bán được - Ảnh 3.

Anh có thể chia sẻ về quy trình thực hiện một sản phẩm như hiện tại?

Thực ra trông vậy mà cũng không khó lắm đâu, trước tiên mình cũng lên mạng tìm hình ảnh gốc, chất lượng cao về chiếc xe mình muốn làm. Sau đó mình in tất cả các mặt cắt ngang, dọc, bốn phía. Phần nào mờ thì mình sẽ vẽ lại rồi ốp lên gỗ. Khi đã gắn được các chi tiết với nhau là tới công đoạn đục, đẽo, tạo hình. Tất nhiên mình cũng phải chia theo tỉ lệ, nhất là trong quá trình làm, mình cũng cần căn chỉnh phần ghế, sao cho mình có thể vào ngồi lái xe cùng con.

Vậy với anh, phần nào là khó nhất trong quá trình thực hiện?

Thực ra phần nào cũng có cái khó riêng, nhưng khó nhất là phần khởi đầu. Từ phần mẫu, đặc biệt khung gầm, có những thứ mình không thể đặt được, thậm chí mình phải tới những cửa hàng phế liệu sau đó mang đồ về để hàn, xì ghép lại với nhau sao cho nó phù hợp với kích thước chiếc xe mình làm. Đó là phần khó nhất, còn khi đã lên được xong bộ khung, gầm thì những công việc còn lại dễ dàng hơn nhiều vì nó thuộc chuyên môn của mình rồi (cười).

Được biết anh đã có tới 3 sản phẩm xe được hoàn thiện, vậy anh có kỉ niệm nào đáng nhớ không?

Mỗi chiếc đều có một kỉ niệm riêng với mình, nhất là khi gần tới lúc hoàn thiện. Nhưng để kể ra có lẽ mình sẽ chọn chiếc Ferrari đầu tiên. Với mình, đó là một sản phẩm thất bại khi mình phải đẩy tay, không thể lắp động cơ được. Thế nhưng nó lại mang tới một hiệu ứng rất lớn, và cũng là động lực để mình tiếp tục thực hiện những sản phẩm sau này như bạn đang thấy. Hiện video đó trên Youtube đã đạt gần 30 triệu lượt xem và cũng được rất nhiều báo trong và ngoài nước dẫn lại.

Gặp ông bố tự chế siêu xe gỗ trăm triệu đồng: Thực ra mình đang dùng trí tuệ của người khác nên không thể làm xe để bán được - Ảnh 5.

Anh có thể tiết lộ chi phí để thực hiện một sản phẩm như hiện tại được không?

Nói về chi phí thì khá là khó vì tùy thuộc vào từng chiếc xe, nhưng mình có thể chia ra nhiều phần, ví dụ như phần gỗ, động cơ hay đồ mình mua về để chế như thước lái, bánh xe, vô lăng sẽ rơi vào khoảng 30 triệu đồng. Nhưng nhiều nhất lại nằm ở tiền công, mình và 2 người thợ nữa làm với nhau và tất nhiên, ai đi làm cũng phải có tiền lương thì 3 người ít nhất cũng 15 triệu/tháng, và số ngày để thực hiện cũng phải mất tới 45 ngày. Như vậy, một chiếc xe hoàn thiện sẽ có chi phí khoảng 100 triệu đồng.

100 triệu đồng chưa kể công sức và toàn bộ thời gian, tâm huyết của mình để thực hiện. Anh làm thế nào để có duy trì và tiếp tục cho các sản phẩm sau đó?

Như đã chia sẻ với bạn trước đó, mình cũng làm Youtube nên trong quá trình thực hiện mỗi chiếc xe, mình cũng đều có thể sử dụng để làm content (nội dung) cho mỗi video mới. Thú thực tiền Youtube kiếm được thì không nhiều, nhưng cũng đủ để mình có thể tiếp tục với công việc này, vừa là đam mê, vừa có thêm chi phí để duy trì làm những sản phẩm mới. Chưa kể, trẻ con thì thường chóng chán, con mình cũng vậy. Khi có người hỏi mua, mình cũng sẵn sàng giao lưu.

Gặp ông bố tự chế siêu xe gỗ trăm triệu đồng: Thực ra mình đang dùng trí tuệ của người khác nên không thể làm xe để bán được - Ảnh 6.

Hiện giờ anh đã được biết tới không chỉ trong nước mà cả nước ngoài, anh có nghĩ tới chuyện sẽ sản xuất hàng loạt và kinh doanh?

Thực ra khi mà mọi người làm việc thì ai cũng muốn mở rộng sản xuất thôi. Bản thân mình cũng vậy, cũng muốn kiếm tiền dựa trên đam mê của mình. Tuy nhiên, khi mình làm những sản phẩm như hiện tại thì thực chất là mình đang sử dụng trí tuệ của người khác, tức là sử dụng những mẫu mà các nhà sản xuất nổi tiếng thiết kế nên để sản xuất thương mại thì sẽ không hay. Chính vì thế, mình không nghĩ tới việc sản xuất hàng loạt mà mình sẽ chỉ sản xuất một chiếc duy nhất. Và mình nghĩ có lẽ sẽ không có một nhà sản xuất nào ngăn cấm việc đó cả. Mình sẽ chỉ làm một chiếc và tập trung vào chất lượng, cố gắng làm sao để hoàn hảo nhất và cống hiến cho khán giả.

Một số hình ảnh khác về những chiếc bằng gỗ của anh Trương Quang Đạo:

Ảnh: Lee Hoàng

Video: Tee Anh - Cấn Hưng