1. Lamborghini là thương hiệu khởi đầu "siêu xe" mà ta biết ngày nay
Enzo Ferrari ưu tiên những chiếc grand tourer truyền thống của thế kỷ trước trung hòa khả năng vận hành nhanh, mạnh với độ tiện nghi trong khi những gì mà Ferruccio Lamborghini mong muốn là những chiếc xe thể thao mạnh mẽ nhất có thể. Chấp nhận đối đầu với rủi ro về thành công lâu dài, Ferruccio đã bật đèn xanh cho một dự án xe thể thao đặt động cơ giữa mạnh nhất có thể mà không áp đặt bất cứ giới hạn nào.
Thành quả ông cùng Gian Paolo Dallara, Paolo Stanzani và Bob Wallace đạt được là chiếc Miura – siêu xe đầu tiên trên thế giới với sản lượng 764 chiếc trong giai đoạn 1966 tới 1973.
2. 30% đội hình Lamborghini là những "phiên bản đặc biệt"
Tính tới đầu năm 2022, Lamborghini có 26 dòng tên độc lập, tuy nhiên nếu trừ đi những mẫu xe thực tế là bản chỉnh sửa từ xe khác, con số chính xác ta có được là 18 – cực kỳ khiêm tốn nếu xét tới việc hãng có bề dày lịch sử 59 năm.
Trong đội hình Lamborghini, Diablo là mẫu xe có nhiều phiên bản đặc biệt nhất với 18 cấu hình khác nhau dù tổng sản lượng xe chỉ có 900 chiếc.
3. Chiếc Lamborghini nhanh nhất, đắt nhất đã ra mắt cách đây gần 10 năm
Lamborghini Veneno Coupe chào sân tại triển lãm Geneva 2013 cùng người em Veneno Roadster mui trần là những cái tên đắt đỏ nhất đội hình thương hiệu Italia với giá lần lượt 4 và 4,5 triệu USD, tuy nhiên giờ bạn chỉ có thể tậu một chiếc với số tiền gấp đôi con số trên do độ hiếm của chúng (chỉ có 5 chiếc coupe và 9 chiếc roadster được sản xuất).
Động cơ V12 6.5L trên Veneno cho phép xe tăng tốc từ 0 lên 100 km/h chỉ trong 2,9 giây, tốc độ tối đa xe cũng lên tới 356 km/h.
4. Lamborghini có khóa học lái "khác người"
Tương tự các hãng xe thể thao khác, Lamborghini có các khóa đào tạo người dùng điều khiển xe trên đường đua, tuy nhiên thương hiệu này còn có khóa dạy lái xe trên địa hình băng tuyết. Vào năm 2020, những khách hàng tham dự chương trình được hãng tổ chức tại Aspen, Colorado đã có dịp thỏa sức "phá" Lamborghini Huracan Evo và Urus trên tuyết.
5. Lamborghini không muốn tham dự các giải đua danh giá
Nhà sáng lập Ferruccio Lamborghini không hề mong muốn thương hiệu của ông tham gia các giải đua quốc tế đơn giản bởi lý do tài chính, do đó nhà máy của hãng không hề có phân xưởng hay đội ngũ riêng phục vụ mảng này. Không ít kỹ sư ban đầu làm việc cho Ferrari (nơi kinh doanh xe phổ thông chỉ phục vụ mục đích bơm tiền cho mảng đua thể thao) rồi sau đó chuyển sang Lamborghini không đồng tình với quan điểm này.
Trong thời gian sau đó, nội bộ hãng có tự chế một vài mẫu xe đua thử nghiệm nhưng không nằm trong kế hoạch chính thức của thương hiệu. Dù vậy, Lamborghini sau này là nhà cung ứng động cơ F1 trong giai đoạn 1989 tới đầu thập niên 1990 cho nhiều đội đua và nay họ có một phân nhánh đua thể thao riêng là Squadra Corse.
6. Lamborghini từng làm mô tô
Thập niên 1980 là giai đoạn thành công lớn về tài chính cho Lamborghini khiến hãng đặt tham vọng mở rộng địa bàn sang các mảng khác như chế tạo động cơ cho du thuyền hay mô tô. Dù mảng đầu tiên tới nay vẫn được duy trì, dự án mô tô thất bại thảm hại và nhanh chóng bị xếp xó.
Cụ thể, chiếc Design 90 trong ảnh được hãng nhờ Boxer Bikes hỗ trợ chế tạo sử dụng động cơ… Kawasaki. Lamborghini nhận được vỏn vẹn 50 đơn hàng cho chiếc mô tô và cũng chỉ chế tạo 6 chiếc (đã tính cả bản concept).
Tham khảo: CarBuzz