Vào ngày 13 tháng 9 năm 2007, SSC Ultimate Aero được vinh danh là chiếc xe sản xuất nhanh nhất trên thế giới với tốc độ trung bình 412,22 km/h trong 2 lần chạy ngược chiều nhau. Danh hiệu chiếc xe nhanh nhất thế giới đã đổi chủ một vài lần và hiện tại, chiếc xe đang giữ kỷ lục chính thức là Koenigsegg Agera RS với vận tốc 447,19 km/h.
Đã có rất nhiều tranh luận về việc Bugatti Chiron Super Sport 300+ có nên góp mặt trong cuộc đọ sức tốc độ cao nhất này hay không, nhưng sự đồng thuận là chiếc hypercar đến từ Bugatti không đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Mặc dù nó đạt tới 490,48 km/h, nhưng nỗ lực chỉ được thực hiện theo một chiều chứ không phải theo hai hướng ngược lại. Theo quy tắc của Kỷ lục Guinness Thế giới, những chiếc xe phải thực hiện 2 lần chạy theo 2 chiều khác nhau.
Trên cùng một đoạn đường quốc lộ bên ngoài thành phố Las Vegas, nơi Koenigsegg Agera RS đã làm nên lịch sử vào tháng 11 năm 2017 khi phá vỡ kỷ lục thế giới về chiếc xe được sản xuất hợp pháp trên đường phố nhanh nhất. Vào ngày 10 tháng 10, SSC Bắc Mỹ đã đưa tay đua chuyên nghiệp Oliver Webb ngồi sau tay lái của chiếc Tuatara trong nỗ lực truất ngôi Agera RS và Chiron Super Sport 300+.
Sử dụng một chiếc ôtô sản xuất thương mại bằng lốp đường phố và chạy bằng nhiên liệu không dùng trong đường đua, SSC Tuatara đạt tộc độ trung bình 508,73 km/h sau hai lần chạy ngược chiều nhau. Một lần đạt tốc độ 484,53 km/h và lần còn lại ở mức 532,93 km/h. Tuy nhiên, Oliver Webb nói rằng chiếc xe vẫn đang hoạt động tốt và vẫn có khả năng để chạy nhanh hơn.
SSC Bắc Mỹ đã nỗ lực tổ chức sự kiện này để lập một kỷ lục thế giới mới, họ sử dụng thiết bị đo GPS được chứng nhận và có hai nhân chứng đại diện cho kỷ lục thế giới có mặt chứng kiến để xác minh. Khoảng 15 vệ tinh đã được thiết bị đo lường sử dụng để xác định chính xác gia tốc và tốc độ ấn tượng của Tuatara trong hai lần chạy diễn ra trong vòng một giờ.
SSC Tuatara được thúc đẩy bởi động cơ trục quay phẳng 5,9 lít V8 tăng áp kép, có công suất 1.750 mã lực khi sử dụng xăng E85. Chuyển sang xăng loại octan 91 và nó vẫn tạo ra công suất khổng lồ 1.350 mã lực trong một chiếc hypercar động cơ đặt giữa có trọng lượng không tải là 1.247 kg và hệ số cản 0,279.
Chỉ có 100 chiếc SSC Tuatara được sản xuất và việc giao hàng cho khách hàng đang được tiến hành, với giá khởi điểm từ 1,625 triệu USD và tối đa là 1,9 triệu USD cho biến thể được trang bị đầy đủ.
Có 2 đối trọng có thể phá kỉ lục của SSC Tuatara trong thời gian gần tới là Hennessey với Venom F5 và Koenigsegg với Jesko Absolut. Koenigsegg từng cho biết, Jesko Absolut của họ về lý thuyết có thể đạt tốc độ tối đa 531 km/h tương đương Tuatara.
Hoàng Huy KenhTinXe.Com